Quả thanh long “tỉ đô” giờ xuất khẩu ra sao?

Trước sầu riêng, thanh long từng là loại trái cây xuất khẩu mang về giá trị hơn 1 tỉ USD/năm nhưng nay doanh số chỉ còn một nửa.

Ngày 23-7, Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin chi tiết về giá trị xuất khẩu các mặt hàng rau quả chủ lực đến các thị trường trong 6 tháng đầu năm 2024.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, sầu riêng tiếp tục duy trì vị trí số 1 về giá trị xuất khẩu với 1,323 tỉ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thanh long là mặt hàng xếp thứ 2 với 292 triệu USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Cách đây chỉ vài năm, thanh long là loại quả mang về giá trị xuất khẩu lớn nhất của ngành rau quả. Năm 2018, kỷ lục cao nhất mà quả thanh long mang lại cho Việt Nam là gần 1,3 tỉ USD nhưng sau đó giảm dần và mất mốc xuất khẩu 1 tỉ USD vào năm 2022.

Quả thanh long “tỉ đô” giờ xuất khẩu ra sao?- Ảnh 1.

Thanh long được trưng bày tại một hội chợ xuất khẩu ở TP HCM

Trong 6 tháng đầu năm, thị trường Trung Quốc dù giảm giá trị nhập khẩu đến 26% nhưng vẫn là thị trường nhập khẩu thanh long lớn nhất với giá trị 203 triệu USD, chiếm 68% thị phần.

Tín hiệu vui là hầu hết các thị trường nhập khẩu thanh long ngoài Trung Quốc đều có giá trị tăng, như: Ấn Độ 21 triệu USD, tăng 35%; Mỹ 18 triệu USD, tăng 90%; Hàn Quốc 10 triệu USD, tăng 36%; UAE 7,8 triệu USD, tăng 60%… Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển hướng thị trường khá tốt.

Nguyên nhân Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu thanh long Việt Nam là do đã có nguồn cung nội địa khá lớn để thay thế dần hàng nhập khẩu.

Đáng chú ý, với trái vải, xuất khẩu cũng giảm mạnh do mất mùa, thiếu sản lượng. Trong nửa năm 2024, Việt Nam xuất khẩu trái vải được 23,6 triệu USD, giảm đến 46% so với cùng kỳ năm nước. Trung Quốc, Pháp, Malaysia, Hà Lan là 4 thị trường lớn nhất nhập khẩu trái vải của Việt Nam.