Ô tô 'made in China' cũng 'có this có that': EU đang xem xét giảm mạnh thuế cho xe BMW, VW sản xuất tại Trung Quốc nhập về châu Âu

2 mẫu xe của BMW và Volkswagen có thể được giảm một nửa thuế trong thời gian tới.

Ô tô 'made in China' cũng 'có this có that': EU đang xem xét giảm mạnh thuế cho xe BMW, VW sản xuất tại Trung Quốc nhập về châu Âu- Ảnh 1.

EU đang xem xét giảm mạnh mức thuế áp dụng cho các mẫu xe do BMW và Volkswagen sản xuất tại Trung Quốc nhập khẩu sang châu Âu.

Mẫu xe điện Mini mới của BMW và Tavascan của Cupra (thuộc sở hữu của tập đoàn VW) đều được sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc và phải chịu mức thuế tối đa 37,6% kể từ khi các quy định mới có hiệu lực từ đầu tháng 7/2024. Một nguồn tin của Reuter tuyên bố Ủy ban châu Âu (EC) sẵn sàng giảm gần một nửa mức thuế xuống còn 20,8% cho cả 2 mẫu xe này.

Thuế quan của EU hiện được vận dụng khá linh hoạt. Chẳng hạn, các mẫu xe của BYD chỉ phải chịu mức thuế tương đối nhẹ là 17,4% do hợp tác điều tra và được đánh giá là ít nhận hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc hơn một số hãng khác. Trong khi đó, SAIC, công ty mẹ của MG, bị áp mức thuế tối đa 37,6%, một phần vì không hợp tác điều tra.

Tuy nhiên, cuộc điều tra không thể tiến hành cho mọi mẫu xe sản xuất tại Trung Quốc, nhập khẩu vào châu Âu và có một số mẫu xe như Mini và Tavascan đã bị áp mức thuế cao nhất. Reuters tuyên bố EC sẵn sàng phân loại lại BMW và VW là những thương hiệu “có hợp tác” và giảm thuế quan xuống 20,8%.

Vẫn chưa rõ EC dùng cơ chế gì để xác định con số đó nhưng nếu cả 2 đều được xét vào diện “có hợp tác”, mức thuế dành cho họ vẫn không thấp như BYD. Báo cáo của EC công bố hồi đầu tháng 7 giải thích rằng viện trợ của Trung Quốc có nhiều hình thức khác nhau, gồm các khoản vay giá rẻ, chiết khấu tiền đất và trợ cấp pin.

Đáng nói, chính các thương hiệu ô tô châu Âu lại đang phản đối gay gắt quyết định áp thuế mới của châu Âu, không phải vì thuế quan khiến xe sản xuất tại Trung Quốc nhập vào châu Âu đắt hơn mà lo sợ các động thái trả đũa của Trung Quốc, khiến hoạt động kinh doanh của họ tại thị trường tỷ dân gặp khó. 1/3 tổng doanh số cả các nhà sản xuất ô tô Đức vào năm 2023 đến từ Trung Quốc, theo Reuters.

Bản thân các quốc gia thành viên EU cũng chia rẽ về mức thuế. Mức thuế có hiệu lực từ ngày 4/7 này chỉ mang tính tạm thời trong 4 tháng và khối vẫn phải bỏ phiếu xem có nên áp dụng lâu dài hay không. Theo Reuters, trong cuộc bỏ phiếu tạm thời gần đây của 27 quốc gia thành viên EU, 12 quốc gia ủng hộ thuế quan, 4 bỏ phiếu chống và 11 phiếu trắng.