Liên tục khoe chiến tích nhưng những rắc rối này có thể khiến hình ảnh của BYD 'sụp đổ' với người dùng toàn cầu

Theo một chuyên gia theo dõi ngành ô tô tại khu vực Đông Nam Á, nếu nghiêm túc tiến vào thị trường Việt, hãng này sẽ phải dồn toàn tâm toàn ý để có được niềm tin của khách hàng. Và điều này cần để thời gian.

Những chiếc BYD bị nấm mốc và góc khuất đáng lo

BYD vừa chính thức ra mắt và mở bán 3 mẫu xe điện Dolphin (hatchback cỡ B), Atto 3 (SUV đô thị ) và Seal (sedan cỡ D). Những mẫu xe điện đầu tiên của hãng tại Việt Nam ít nhiều được quan tâm khi xe điện đã không còn xa lạ với người Việt.

Điểm tích cực, ở một khía cạnh nào đó, là người dùng Việt có thêm một lựa chọn. Tuy nhiên, bên cạnh những trở ngại không nhỏ về việc không chủ động được hạ tầng trạm sạc hay định kiến về xuất xứ, các thông tin liên tiếp của BYD gần đây về những vấn đề liên quan tới chất lượng, thậm chí không được chào đón tại nhiều nước, sẽ là rào cản lớn mà hãng này phải đối mặt.

Liên tục khoe chiến tích nhưng những rắc rối này có thể khiến hình ảnh của BYD 'sụp đổ' với người dùng toàn cầu- Ảnh 1.

Hình ảnh dàn xe BYD tồn kho tại các cảng ở châu Âu rộ lên hồi đầu năm 2024.

Ngay những tháng đầu năm nay, tại châu Âu, hàng chục nghìn chiếc BYD đã bị từ chối thông quan bởi cơ quan chức năng đã phát hiện tình trạng nấm mốc bên trong nội thất của xe. Theo Wall Street Journal, tình trạng này không đơn giản xuất hiện sau quá trình vận chuyển đường dài mà thực tế, hàng nghìn chiếc xe mang thương hiệu Trung Quốc đã không được xử lý theo đúng quy trình ion hóa chuẩn mực. Nhiều nước châu Âu cũng đang đặt ra nghi vấn về quy trình kiểm soát hậu sản xuất của hãng xe Trung Quốc.

Theo tính toán, ít nhất 10.000 chiếc BYD vẫn đang nằm trong kho hàng tại cảng châu Âu. Trong khi đó, giấy chứng nhận bán hàng tại châu Âu có thời hạn. Khi hết hạn, những lô hàng này sẽ không có cơ hội xuất hiện trên đường phố của lục địa già.

Đây cũng là vấn đề đáng lo khi đối chiếu với động thái sốt sắng mở thêm thị trường của BYD, trong đó có Việt Nam thời gian gần đây. Theo giới chuyên gia, không loại trừ khả năng, những chuyến tàu từ châu Âu sẽ quay đầu để đưa lô xe mốc tới các nước đang phát triển.

Không chỉ châu Âu, tại nhiều thị trường khác, BYD cũng gặp nhiều phản hồi tiêu cực của người dùng. Như tại Nhật Bản, rất nhiều lô xe BYD đã phải sửa chữa, thay thế bộ phận, hoặc khắc phục tình trạng móp méo, trầy xước để được xem xét nhập vào nước này. Tương tự, tại Thái Lan hay Israel, hàng loạt xe BYD cũng gặp nhiều khiếu nại của người dùng vì bong tróc sơn, nhựa hoặc cong vênh.

Nguy hiểm hơn, tại Anh, vào tháng 1/2024, một chiếc xe buýt BYD ở London đã bốc cháy khiến chính quyền Anh đã phải thu hồi gần 2.000 xe buýt hãng này. Các nhà chức trách đánh giá hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí của xe BYD có vấn đề và có thể dẫn đến hỏa hoạn.

Dịch vụ hậu mãi bị người dùng phản đối, rủi ro lớn về an toàn thông tin

Ngoài chất lượng, tại các nước, nhiều khách hàng cũng lên tiếng về chất lượng hậu mãi tệ của hãng Trung Quốc. Mới đây nhất là tại Thái Lan - một trong những thị trường lớn của BYD tại Đông Nam Á, nhiều khách hàng đã bày tỏ sự giận dữ và viết thư tới BYD vì nhiều trải nghiệm tồi tệ.

Liên tục khoe chiến tích nhưng những rắc rối này có thể khiến hình ảnh của BYD 'sụp đổ' với người dùng toàn cầu- Ảnh 2.

BYD Atto 3 bản tiêu chuẩn tại thị trường Thái Lan.

Thậm chí, theo Reuters, đầu tháng 7/2024, nhà chức trách Thái Lan đã tiếp nhận 70 đơn thư khiếu nại đại diện cho cộng đồng khách hàng BYD, đòi bồi thường vì tình trạng hạ giá bất chấp gây ảnh hưởng tới quyền lợi người dùng của BYD. Đáng chú ý nhất là mẫu ATTO 3 ban đầu được bán với giá gần 33.000 USD, chỉ một thời ngắn sau đó đã có mức giá mới giảm tới… gần 9.300 USD.

Nhiều khách hàng cho rằng đã bị lợi dụng khi phải mua xe giá cao trong khi “vừa ra tới cửa đã mất 1/3 giá trị”, đồng nghĩa sẽ rất khó khăn cho khách hàng khi có nhu cầu bán xe.

Cũng trong tâm thư của khách hàng Thái Lan, nhiều người cũng tỏ ra thất vọng với trải nghiệm dịch vụ của BYD khi phải phải mất tới 2-3 ngày để đặt được lịch hẹn với trung tâm bảo hành của hãng này.

Ở góc độ khác, nỗi lo lớn được cộng đồng người dùng cũng như các nhà chức trách tại nhiều nước nêu lên với BYD là vấn đề an toàn thông tin. Mỹ đã mở cuộc điều tra với BYD nói riêng và xe điện Trung Quốc nói chung bởi lo ngại về khả năng công nghệ trang bị trên xe hơi có thể thu thập thông tin và dùng cho mục đích do thám.

Đây cũng là vấn đề lo lắng tại Australia – thị trường BYD đã bước đầu thâm nhập. Các chuyên gia an ninh mạng của Australia đã lên tiếng cảnh báo ô tô Trung Quốc là “những máy tính di chuyển dữ liệu trên bánh xe” và có thể được sử dụng để giám sát từ xa.

Theo giới chuyên gia, những vấn đề người dân các nước đang gặp với BYD cũng chính là thực tế đáng lo ngại khi hãng xe này đặt chân vào Việt Nam.

Liên tục khoe chiến tích nhưng những rắc rối này có thể khiến hình ảnh của BYD 'sụp đổ' với người dùng toàn cầu- Ảnh 3.

BYD ra mắt 3 mẫu xe điện gồm Atto 3, Seal và Dolphin tại Việt Nam hôm 18/7.

Ngoài những vấn đề về chất lượng xe hay rủi ro mất an toàn thông tin, theo đánh giá, BYD sẽ gặp rào cản lớn nếu muốn tiếp cận thị trường Việt Nam. Lịch sử đến và đi chớp nhoáng, không dấu vết của nhiều hãng xe từ đất nước tỉ dân khiến người dùng Việt ngần ngại khi trong việc quyết định xuống tiền mua xe.

Ngoài ra, với việc gần như trắng tay trong hệ thống trạm sạc, BYD rất khó thuyết phục được người dùng Việt Nam. Việc sạc ở nhà là bài toán không lời giải với số đông người dùng Việt. Trong khi đó, tại Việt Nam, rất ít đơn vị phát triển trạm sạc độc lập nên kế hoạch bắt tay với đối tác của BYD là khó khả thi. Ngay cả khi bắt tay được với bên thứ 3, việc xây dựng hạ tầng đòi hỏi nguồn lực lớn, thời gian dài và giá điện sạc chắc chắn đắt đỏ sẽ tiếp tục là một gáo nước lạnh.

“ Không rõ mục đích chính của BYD tại thị trường Việt Nam là gì, nhưng nếu nghiêm túc tiến vào thị trường Việt, hãng này sẽ phải dồn toàn tâm toàn ý để có được niềm tin của khách hàng. Và điều này cần để thời gian trả lời ”, một chuyên gia theo dõi ngành ô tô tại khu vực Đông Nam Á nói.