Cứu tinh từ Campuchia liên tục tràn về Việt Nam với giá rẻ: tăng nhập khẩu hơn 1.000%, nước ta tiêu thụ 2 triệu tấn/năm

Việt Nam lọt top 3 thế giới nhập khẩu mặt hàng này.

Cứu tinh từ Campuchia liên tục tràn về Việt Nam với giá rẻ: tăng nhập khẩu hơn 1.000%, nước ta tiêu thụ 2 triệu tấn/năm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đậu tương là một mắt xích quan trọng trong chuỗi lương thực toàn cầu, đặc biệt là nguồn protein trong sản xuất thịt lợn và gia cầm. Đây cũng là mặt hàng Việt Nam đang nhập khẩu hàng năm.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2024, Việt Nam nhập khẩu 69.028 tấn đậu tương, tương đương 35,42 triệu USD, giảm trên 69,5% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 5/2024. So với tháng 6/2023, giảm mạnh 71,3% về lượng, giảm 74,7% về kim ngạch và giảm 12% về giá.

Trong nửa đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu trên 1,06 triệu tấn, trị giá gần 561,48 triệu USD, giá trung bình 527,4 USD/tấn, giảm 4,8% về lượng, giảm 22,9% kim ngạch và giảm 19% về giá so với 6 tháng đầu năm 2023.

Cứu tinh từ Campuchia liên tục tràn về Việt Nam với giá rẻ: tăng nhập khẩu hơn 1.000%, nước ta tiêu thụ 2 triệu tấn/năm- Ảnh 2.

Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp đậu tương cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024, chiếm gần 55,6% trong tổng lượng và chiếm 53,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, đạt 591.770 tấn, tương đương gần 299,72 triệu USD, giá 506,5 USD/tấn, tăng 13,5% về lượng, nhưng giảm 6,1% kim ngạch và giảm 17,3% về giá so với 6 tháng đầu năm 2023.

Thị trường lớn thứ 2 là Mỹ, trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 377.302 tấn, tương đương 205,88 triệu USD, giá 545,7 USD/tấn, chiếm 35,4% trong tổng lượng và chiếm 36,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, giảm 19,3% về lượng, giảm 35,8% về kim ngạch và giá giảm 20,4% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Tiếp đến thị trường Canada 6 tháng đầu năm 2024 đạt 57.299 tấn, tương đương 35,03 triệu USD, giá 611,3 USD/tấn, chiếm 5,4% trong tổng lượng và chiếm 6,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, giảm 12% về lượng, giảm 27% về kim ngạch và giá giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, Campuchia đang là bạn hàng tích cực nhất của Việt Nam. Cụ thể, nhập khẩu từ thị trường Campuchia trong tháng 6/2024 đạt 376 tấn, tương đương 278 nghìn USD. Trong khi đó, tháng 6/2023, Việt Nam không thực hiện nhập khẩu từ quốc gia này.

Tính chung 6 tháng, nhập khẩu từ thị trường Campuchia đạt 3.698 tấn, tương đương 2,67 triệu USD, giá 722 USD/tấn, tăng mạnh 1055% về lượng, tăng 962% về kim ngạch nhưng giá giảm 8% so với cùng kỳ.

Cứu tinh từ Campuchia liên tục tràn về Việt Nam với giá rẻ: tăng nhập khẩu hơn 1.000%, nước ta tiêu thụ 2 triệu tấn/năm- Ảnh 3.

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 và nhập khẩu đậu tương lớn thứ 9 trên thế giới. Trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta tiêu thụ trung bình gần 2 triệu tấn đậu tương. Nhờ giá đậu tương giảm cùng với giá lợn hơi tăng cao, người chăn nuôi được hưởng lợi kép từ đầu năm đến nay.

Các nhà phân tích cho biết, khả năng ông Donald Trump có thể chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là một yếu tố khiến giá đậu tương chịu sức ép. Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump dường như khơi lại căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc. Đặc biệt là khi Trung Quốc vốn là quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới.

Dan Basse, Chủ tịch Công ty tư vấn AgResource cho biết, việc ông Trump có cơ hội đắc cử tổng thống đang khiến các thương nhân Trung Quốc lo ngại về mức thuế nhập khẩu. Điều này có thể khiến nhu cầu đối với đậu tương từ Mỹ giảm, gây sức ép lên giá.

Là quốc gia đông dân số nhất thế giới với ngành chăn nuôi heo quy mô lớn, Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ đậu tương khổng lồ để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Để đáp ứng nhu cầu nội địa, Trung Quốc buộc phải đẩy mạnh nhập khẩu đậu tương từ thị trường quốc tế. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, chiếm hơn 60% tổng lượng giao dịch toàn cầu. Nhu cầu nhập khẩu đậu tương khổng lồ của Trung Quốc đang tác động mạnh mẽ đến thị trường toàn cầu.

Việt Nam là một trong những nhà cung cấp đậu tương cho Trung Quốc. Tuy nhiên, sản lượng đậu tương trong nước còn hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa. Do đó, Việt Nam cũng phải nhập khẩu một lượng lớn đậu tương từ các nước khác.