Nhiều năm trước, đây là thị trường kinh doanh nóng bỏng được ví dành cho những "đại gia". Song vì sao, nhiều đại gia chấp nhận bỏ nghề?
Trao đổi với Báo Người Lao Động, một thương nhân phối xăng dầu tại Đồng Nai cho biết lí do các doanh nghiệp xin trả giấy phép là do làm ăn khó khăn quá nên chọn cách đóng cửa để chuyển hướng kinh doanh.
Vị đại diện trên nói thêm, sau giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp muốn lấy lại sức cũng cần thêm 3-4 năm. Đầu tư một cây xăng dầu tốn tiền tỉ trở lên, nhưng nếu "không đảm bảo được lợi nhuận thì cũng buông tay chèo thôi" - ông nói.
Theo đó, vị đại diện doanh nghiệp xăng dầu ở Đồng Nai kiến nghị cơ quan quản lý nên quy định các đầu mối chỉ được bán lẻ cho hệ thống nhượng quyền của mình, còn lại phải bán qua thương nhân phân phối. Đây là hệ sinh thái của ngành xăng dầu.
Theo dự thảo lần 3 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương nêu quan điểm không nên cho phép đơn vị phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau. Việc này nhằm tránh mua chéo, tạo trung gian, thêm chi phí trong khâu này, khó kiểm soát nguồn cung.
Tuy nhiên, nhiều thương nhân phân phối phản ánh nếu quy định như vậy sẽ khiến họ rất khó khăn.
Mới đây, Bộ Công Thương thông tin có thêm 2 thương nhân phân phối xăng dầu xin trả Giấy phép kinh doanh cho cơ quan này.
Cụ thể, công ty CP Thương mại nhiên liệu Cửu Long tại địa chỉ số 85 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM và Công ty TNHH Đầu tư phát triển xăng dầu Việt Nhật tại SN 18 Phía Nam trường Đại học Hoa Lư, xã Ninh Tiến, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình có đơn xin dừng hoạt động làm thương nhân phân phối do khó khăn trong kinh doanh.
Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 18 thương nhân đề nghị trả lại và Bộ Công Thương đã thực hiện việc thu hồi Giấy chứng nhận theo đề nghị của doanh nghiệp theo quy định. Theo Bộ công Thương, năm 2023, có thời điểm số thương nhân phân phối xăng dầu lên đến hơn 330 thương nhân.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định việc các doanh nghiệp trả lại giấy phép không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương đã giao tổng nguồn tối thiểu (gồm nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước) cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.