Bài học từ cuộc chiến bảo hộ ngành ô tô trong nước của Thái Lan: 'Cơn lũ xe điện giá rẻ' BYD khiến 2.000 nhà máy đóng cửa, ngành sản xuất hao mòn, toàn nền kinh tế ảnh hưởng

Đằng sau sự tung hô về tầm nhìn mở nhà máy xe điện BYD của Thái Lan là cả một hệ lụy cho nền kinh tế mà ít ai nhìn thấy.

Bài học từ cuộc chiến bảo hộ ngành ô tô trong nước của Thái Lan: 'Cơn lũ xe điện giá rẻ' BYD khiến 2.000 nhà máy đóng cửa, ngành sản xuất hao mòn, toàn nền kinh tế ảnh hưởng- Ảnh 1.

Khi hãng xe điện nổi tiếng Trung Quốc BYD mở nhà máy đầu tiên ở Đông Nam Á tại Thái Lan đầu tháng 7/2024, quốc gia 66 triệu dân này đã thu hút được sự chú ý của truyền thông cũng như được ca ngợi là có tầm nhìn về sản xuất.

Thế nhưng lại ít có ai để ý đến thông báo của Suzuki Motor, một hãng xe hơi nổi tiếng đặt nhà máy tại Thái Lan với công suất 60.000 chiếc/năm, đã phải thông báo đóng cửa cơ sở tại đây trước đó vài tuần.

Động thái của thương hiệu ô tô Nhật Bản này chỉ là một ví dụ cho cả một nền kinh tế tại Đông Nam Á chịu ảnh hưởng từ dòng lũ sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc. Những yếu tố như giá năng lượng tăng hay lực lượng lao động già hóa khiến sức cạnh tranh của ngành sản xuất nội địa Thái Lan héo mòn dần.

Trong năm qua, Thái Lan đã phải chứng kiến gần 2.000 nhà máy đóng cửa, ảnh hưởng đến mảng sản xuất vốn chiếm đến ¼ tổng GDP của nước này.

Bài học từ cuộc chiến bảo hộ ngành ô tô trong nước của Thái Lan: 'Cơn lũ xe điện giá rẻ' BYD khiến 2.000 nhà máy đóng cửa, ngành sản xuất hao mòn, toàn nền kinh tế ảnh hưởng- Ảnh 2.

Tôi sẽ làm gì đây?

Hãng tin Reuters cho hay nền kinh tế trị giá 500 tỷ USD của Thái Lan đang chịu tác động từ dòng lũ xe điện giá rẻ cũng như các sản phẩm tương tự từ Trung Quốc. 

Ngành sản xuất của Thái Lan chỉ đóng góp 24,2% GDP trong quý I/2024, gần mức thấp kỷ lục của năm 1993. Đi kèm với đó là vô số lao động từ các nhà máy đóng cửa bị thất nghiệp và không kiếm được việc làm mới.

Một ví dụ điển hình là bà Shanpen Suetrong, một phụ nữ 54 tuổi làm công nhân gần 20 năm cho hãng VMC Safety Glass ở Samut Prakan chuyên kiểm tra chất lượng sản phẩm của dây chuyền sản xuất ô tô.

Vào tháng 4/2024, nhà máy của bà Suetrong đã bị đóng cửa, để lại vô số công nhân chẳng biết đi về đâu.

"Tôi chẳng có tiền tiết kiệm và đang có hàng trăm nghìn Baht tiền nợ. Tôi có tuổi rồi, tôi biết đi đâu kiếm việc đây? Ai sẽ thuê tôi?", bà Suetrong ngậm ngùi khi phải nuôi gia đình với một người chồng ốm đau và cô con gái đang tuổi vị thành niên.

Chính sự khó khăn của ngành sản xuất này đã khiến Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin mới lên nắm quyền năm 2023 gặp thách thức trong việc giữ cam kết nâng tốc độ tăng trưởng GDP của nước này từ 1,73% suốt 10 năm trước lên mức bình quân 5% trong nhiệm kỳ của mình.

"Ngành công nghiệp đang suy giảm còn sản lượng đã giảm xuống dưới 60%. Rõ ràng là toàn ngành công nghiệp sản xuất cần phải thay đổi để thích nghi với tình hình mới", Thủ tướng Srettha Thavisin cho biết.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Supavud Saicheua của Hội đồng phát triển kinh tế và xã hội quốc gia (NESDC) Thái Lan cũng cho rằng mô hình dựa vào mảng công nghiệp sản xuất để phát triển kinh tế suốt nhiều thập niên của nước này đang "đổ vỡ".

Bài học từ cuộc chiến bảo hộ ngành ô tô trong nước của Thái Lan: 'Cơn lũ xe điện giá rẻ' BYD khiến 2.000 nhà máy đóng cửa, ngành sản xuất hao mòn, toàn nền kinh tế ảnh hưởng- Ảnh 3.

"Hàng hóa Trung Quốc đang cố xuất khẩu khắp mọi nơi. Những dòng lũ sản phẩm giá rẻ đó đang gây ra nhiều rắc rối. Bởi vậy chúng ta cần phải thay đổi, không có nhưng nhị gì nữa ở đây hết", Chủ tịch Saicheua nói khi đề nghị Thái Lan cần tập trung sản xuất những mặt hàng mà Trung Quốc chưa xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh mảng nông nghiệp.

Thay đổi hoặc suy tàn

Số liệu của Bộ công nghiệp Thái Lan (DIW) cho thấy số lượng nhà máy đóng cửa tại Thái Lan trong khoảng tháng 7/2023-6/2024 đã tăng 40% so với 12 tháng trước đó. Hậu quả là tỷ lệ mất việc làm đã tăng 80% trong cùng kỳ với hơn 51.500 nhân công bị bỏ rơi và chưa kiếm được việc làm mới.

Tệ hơn, số lượng nhà máy mở mới tại Thái Lan cũng giảm tốc khi các công xưởng cỡ lớn đóng cửa nhường chỗ cho những công xưởng nhỏ hơn thế chỗ.

Nghiên cứu của ngân hàng Kiatnakin Phatra Bank cho thấy tác động đang lan rộng trong toàn ngành vốn là động lực phát triển của nền kinh tế Thái Lan, bao gồm cả mảng sản xuất ô tô.

Không những vậy, Chủ tịch Sangchai Theerakulwanich của Liên đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Lan (FTSME) cho biết ngay cả các nhà máy nhỏ cũng đang phải vật lộn với chi phí sản xuất tăng cao vì giá năng lượng, nguyên liệu đi lên, chi phí nhân công tăng.

"Chúng tôi đang phải cạnh tranh với những tập đoàn đa quốc gia. Các nhà máy không thay đổi để thích nghi nhanh chóng, kịp thời sẽ phải đóng cửa hoặc chuyển sang làm thứ khác", Chủ tịch Theerakulwanich cho hay.

Bài học từ cuộc chiến bảo hộ ngành ô tô trong nước của Thái Lan: 'Cơn lũ xe điện giá rẻ' BYD khiến 2.000 nhà máy đóng cửa, ngành sản xuất hao mòn, toàn nền kinh tế ảnh hưởng- Ảnh 4.

Bắt đầu từ tháng 7/2024, dù Thái Lan đánh thuế 7% VAT cho các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có giá dưới 1.500 Baht, tương đương 41 USD thì phần lớn dòng lũ sản phẩm giá rẻ này vẫn được miễn thuế hải quan (Custom Duties).

Phó chủ tịch Nava Chantanasurakon của Liên đoàn công nghiệp Thái Lan (FTI) cho biết tình hình này buộc họ phải đề nghị chính phủ phải có biện pháp ngăn chặn dòng lũ sản phẩm Trung Quốc tràn sang và tái xuất khẩu nhằm né thuế cao trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng như ở các thị trường khác.

Việc sản phẩm Trung Quốc tràn sang Thái Lan nhằm tránh né rào cản thuế quan và chiến tranh thương mại sẽ làm tổn thương đến chính ngành sản xuất nội địa trong nước.

Hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan được dự đoán chỉ vào khoảng 2,5%/năm.

Dìm nhau đến chết

Tờ Nikkei Asian Review cho hay dòng lũ xe điện giá rẻ từ Trung Quốc đang khiến ngành ô tô điện Thái Lan đua nhau hạ giá và đẩy thị trường vào cảnh xem ai phá sản trước. Điều tồi tệ hơn là doanh số xe điện lại đang giảm mạnh khiến nhiều thương hiệu quyết định chuyển sang đầu tư xe Hybrid.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Phó Giáo sư Wasana Wongsurawat tại Đại học Chulalongkorn-Thái Lan cho biết việc khách hàng châu Âu không mua xe Trung Quốc còn Mỹ mạnh tay áp thuế với xe điện của nước này khiến sản lượng của BYD bị dồn ứ, từ đó dẫn đến tình trạng phải giảm giá để dọn kho và tiêu thụ ở các nước "dễ tính" hơn.

Tại cuộc triển lãm ô tô quốc tế Bangkok (BIMS) mới đây, gian hàng của tập đoàn xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD đã trở thành tâm điểm thu hút người xem với bản Atto 3 có giá chỉ 899.900 Baht, tương đương 24.500 USD, tức rẻ hơn 18% so với mức giá bán ban đầu.

Ngoài ra BYD còn tung ra hàng loạt chương trình giảm giá cho các mẫu xe sedan và hatchback chạy điện được đặt hàng tại sự kiện, khiến gian hàng luôn náo nhiệt.

Bài học từ cuộc chiến bảo hộ ngành ô tô trong nước của Thái Lan: 'Cơn lũ xe điện giá rẻ' BYD khiến 2.000 nhà máy đóng cửa, ngành sản xuất hao mòn, toàn nền kinh tế ảnh hưởng- Ảnh 5.

Không chịu kém cạnh, hãng Changan Automobile cũng đã ra mắt dòng xe điện Lumin siêu nhỏ với mức giá chỉ khoảng 480.000 Baht khiến sản phẩm này trở thành một trong những chiếc ô tô điện rẻ nhất Thái Lan.

Những thương hiệu khác như Hozon New Energy Automobile cũng tung ra các dòng xe điện giá rẻ chỉ với 550.000 Baht, tức rẻ hơn 30% so với mẫu Dolphin tương ứng của đối thủ BYD.

Theo Nikkei, hàng loạt những động thái trên diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh dìm giá leo thang giữa dòng lũ xe điện giá rẻ Trung Quốc với các hãng nội địa. Với hơn 10 hãng xe điện Trung Quốc gia nhập thị trường Thái Lan trong vài năm qua, sự cạnh tranh dìm giá xem ai phá sản trước này đang căng thẳng chưa từng thấy.

Nguyên nhân thì cũng dễ hiểu khi doanh số xe điện đã tăng gần 8 lần năm 2022 lên 76.000 chiếc, khiến nhiều thương hiệu mơ về một thị trường tiềm năng mới bên ngoài Trung Quốc.

Thế nhưng niềm vui này chẳng kéo dài khi số liệu của Autolife Thailand cho thấy nước này chỉ bán được 3.637 chiếc xe điện trong tháng 2, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 73% so với tháng 1/2024.

Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ việc chính quyền Bangkok cắt giảm trợ cấp mua xe điện đi 1/3 xuống chỉ còn 100.000 Baht. Mặc dù doanh số đã hồi phục nhẹ lên 5.001 chiếc vào tháng 3/2024 nhưng tình hình thị trường bất ngờ trở nên khó lường hơn khi các hãng xe điện cạnh tranh dìm giá nhau.

Tờ Nikkei cho hay phân khúc xe điện tại Thái Lan chủ yếu ở mảng ô tô vừa và nhỏ, vốn có sự giới hạn về quy mô khi chỉ chiếm khoảng 20% tổng thị trường xe hơi toàn quốc, tương đương doanh số khoảng 150.000 chiếc.

Thế nhưng các hãng xe điện Trung Quốc lại đang tranh giành miếng bánh hạn chế này.

Bài học từ cuộc chiến bảo hộ ngành ô tô trong nước của Thái Lan: 'Cơn lũ xe điện giá rẻ' BYD khiến 2.000 nhà máy đóng cửa, ngành sản xuất hao mòn, toàn nền kinh tế ảnh hưởng- Ảnh 6.

"Xe điện Trung Quốc đã phải chứng kiến sự rung chuyển ở thị trường Trung Quốc do dư thừa cung và cạnh tranh về giá. Điều tương tự cũng có thể diễn ra ở Thái Lan", chuyên gia Hirotaka Uchida tại Arthur D. Little cho biết.

Trước tình hình này, Thái Lan đã thực hiện một cuộc điều tra về chương trình giảm giá của BYD bất chấp hãng này đã có phương án hoàn tiền từ nhà phân phối do có quá nhiều phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng.

Việc BYD giảm giá quá mạnh khiến nhiều chủ cũ đã mua xe điện cảm thấy bức xúc vì nhìn giá trị tài sản của mình bốc hơi nhanh chóng.

Đích thân Thủ tướng Srettha Thavisin đã yêu cầu Giám đốc điều hành BYD Wang Chuanfu đảm bảo người tiêu dùng Thái Lan được bảo vệ và vị CEO này đã cam kết rằng mức giá trong tương lai sẽ phù hợp hơn.

Đây được cho là thách thức với BYD khi thúc đẩy đầu tư mạnh vào Thái Lan nhờ các khoản trợ cấp hấp dẫn của chính phủ và ưu đãi thuế.

Những nỗ lực này là một phần trong động thái chiến lược nhằm thúc đẩy sản xuất xe điện Trung Quốc tại Thái Lan với tổng trị giá 1,44 tỷ USD.

Hiện Changan Auto của Trung Quốc cũng cam kết đầu tư 285 triệu USD xây nhà máy tại Thái Lan.

"BYD đang sử dụng Thái Lan làm trung tâm sản xuất để xuất khẩu sang ASEAN và nhiều nước khác", Tổng thư ký Narit Therdsteerasukdi của Ủy ban Đầu tư Thái Lan cho biết.

*Nguồn: Reuters, Nikkei