Xuất hiện trong hầu hết lĩnh vực sản xuất, một mặt hàng của Việt Nam đang được các ông lớn Mỹ, Trung Quốc tin dùng, thu về hơn 1 tỷ USD trong 9 tháng

Sản lượng sản xuất mặt hàng này của Việt Nam tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua, hiện đạt xấp xỉ 10 triệu tấn/năm.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy của Việt Nam trong tháng 9/2023 đạt hơn 158 triệu USD, giảm 21,8% so với tháng 8 nhưng tăng 11,2% so với tháng 9/2022. Tính đến hết tháng 9/2023, nước ta xuất khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy trị giá hơn 1,59 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy lớn nhất của Việt Nam, đồng thời tăng mạnh trong thời gian gần đây. Trong tháng 9, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt hơn 47,3 triệu USD, tăng 77,2% so với tháng 9/2022. Hết quý 3, Hoa Kỳ chi gần 410 triệu USD nhập khẩu giấy từ Việt Nam, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng đến 25,8%.

Đứng ở vị trí thứ 2 là Trung Quốc, trong tháng 9, nước này nhập khẩu 26,1 triệu USD, giảm 8,7% so với tháng 9/2022. Tính chung 9 tháng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gần 356 triệu USD, bật tăng 76,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng là 22,4%.

Campuchia là thị trường xuất khẩu xếp thứ 3 mặt hàng này. Trong tháng 9, Việt Nam thu về 10,4 triệu USD, giảm 11,1% so với tháng 9/2022. Tính chung 9 tháng, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này 108,8 triệu USD, giảm 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 6,8%.

Trên thực tế, ngành giấy hiện đang là ngành chính phụ trợ cho việc sản xuất của hầu hết các lĩnh vực. Hiện nay khoảng 90% sản lượng ngành giấy sản xuất trong nước là các sản phẩm giấy bao bì phổ thông phục vụ cho các ngành sản xuất công nghiệp. Cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong ngành giấy và số lượng doanh nghiệp thuộc VPPA chỉ có 130 đơn vị nhưng lại chiếm đến 90% công suất toàn ngành.

Trong 5 năm qua, sản lượng sản xuất giấy trong nước tăng gần gấp đôi, hiện đạt xấp xỉ 10 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, cùng với khó khăn chung của nhiều ngành hàng, ngành giấy cũng phải đối mặt với tình trạng sụt giảm đơn hàng nên các doanh nghiệp phải đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại.

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho hay, từ tháng 9/2022 tới nay, các doanh nghiệp ngành giấy rất khó khăn do đơn hàng sụt giảm, chỉ hoạt động khoảng 50-60% công suất. Khó khăn này dự báo kéo dài đến hết năm 2023 khi tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều giảm sút.

Hơn nữa, ngành giấy Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn về cạnh tranh như phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu với khoảng 500.000 tấn bột giấy mỗi năm, xuất khẩu thô nên khó tăng cao về giá trị gia tăng… Vì thế, dự báo, kim ngạch xuất khẩu giấy năm 2023 có thể giảm so với kết quả 1 triệu tấn giấy đạt được trong năm 2022.