Xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục đón tin vui về sản lượng lẫn giá trị. Nguyên nhân là do nhu cầu gạo trên thế giới có xu hướng tăng, trong khi nguồn cung từ các quốc gia trồng lúa lại giảm do ảnh hưởng biến đổi khí hậu.
Đến hết tháng 10, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo, mang về 4 tỉ USD. So với năm ngoái, tăng 17% về lượng và 35% về giá trị. Bên cạnh đó, gạo của nước ta cũng đang có mức giá xuất khẩu cao nhất.
Trước những bất ổn về nguồn cung trên thị trường thế giới, Việt Nam đang là điểm sáng trong xuất khẩu gạo. Các doanh nghiệp dự báo khả năng nước ta sẽ chạm mốc 7,4 triệu tấn, thậm chí 8 triệu tấn gạo trong năm 2023 với kim ngạch 4,5 tỉ USD.
Dư địa đến từ các thị trường lớn như Philippines, Indonesia và Trung Quốc tăng cường nhập khẩu. Lợi thế thị trường, giá bán sẽ duy trì đến năm sau, dù có những điều chỉnh nhất định.
iệt Nam đang là điểm sáng trong xuất khẩu gạo. Ảnh minh họa.
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhận định: "Năm 2024 giá gạo không thể giảm dưới 600 USD, có hạ nhiệt cũng 640 - 650 USD, vì hiện nay lượng lúa gạo trên thế giới đang khan hiếm dần".
Ở góc độ khác, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng giá gạo xuất khẩu tăng cao chưa hẳn là lợi thế. Bởi đã có doanh nghiệp phải đối mặt với chuyện tăng giá thu mua để hoàn thành hợp đồng đã kí với đối tác.
Ngoài ra, giá gạo xuất khẩu quá cao còn tiềm ẩn nguy cơ mất thị trường truyền thống. Các chuyên gia cũng cảnh báo, sang năm 2024 lượng gạo tồn kho sẽ ít nên các doanh nghiệp cần thận trọng trong việc kí trước các hợp đồng.
Xu thế tiêu dùng gạo năm 2024
Giá gạo xuất khẩu của nước ta tăng do nhu cầu thế giới tăng chỉ là một phần. Phần còn lại là kết quả của việc tái cơ cấu ngành hàng, chuyển sang sử dụng các giống lúa phẩm cấp cao từ nhiều năm nay. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế thị trường trong năm tới.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, dù thị trường thế giới đang căng thẳng về nguồn cung, nhưng các loại gạo thơm, chất lượng cao vẫn là lựa chọn ưu tiên. Riêng thị trường Trung Quốc ưa chuộng các giống ST 21, 24, 25.
Đến cuối tháng 10, vụ Thu Đông còn khoảng 400.000 ha chưa thu hoạch, tương đương gần 2,2 triệu tấn lúa gối đầu cho năm tới. Riêng vụ Đông Xuân 2023 - 2024, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến gieo sạ gần 1,5 triệu ha, sản lượng hơn 10,6 triệu tấn. Trong đó, gần 90% diện tích canh tác các giống lúa chất lượng cao.
Nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo
Cần nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo. Ảnh minh họa.
Tỉ lệ giống phẩm cao cấp được nâng lên nhờ định hướng của ngành nông nghiệp, cũng như sự tích cực của doanh nghiệp trong việc liên kết với nông dân. Đây cũng là cách để nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trong thời gian tới.
Vùng sản xuất lúa chất lượng cao của tỉnh An Giang là một phần diện tích trong tổng số 200 ngàn ha của địa phương tham gia Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Nhờ áp dụng đồng bộ các quy trình tiên tiến, sử dụng giống chất lượng, gắn với liên kết, bà con đạt mức lợi nhuận hơn 40%.
Tại Hội thảo Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh hoàn thiện hệ thống logistics nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, trong đó có lúa gạo thì Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải thấp chính là lời giải cho vấn đề đặt ra.
Ở góc độ khác, các chuyên gia cho rằng tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch của ngành hàng khác cao, khoảng 14%/năm, trong đó cao nhất ở khâu sấy. Chính vì vậy đầu tư cho máy móc, công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp giảm thất thoát, hạ giá thành và tăng sức cạnh tranh.
Ông Jen Vinther Jensen - Giám đốc điều hành FFT cho biết: "Nếu ứng dụng công nghệ vào quản lý sản xuất, từ đồng ruộng cho tới nhà máy chế biến, có thể canh tác theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp hơn và có thể đảm bảo hiệu quả khâu bảo quản lưu trữ trong điều kiện khí hậu nóng ẩm thì chúng ta sẽ có thể tạo được sự khác biệt".
Dù Việt Nam đã cơ bản khẳng định giá trị hạt gạo trên thị trường, nhưng sẽ có sự thay đổi khi Ấn Độ mở xuất khẩu lại, dự kiến từ tháng 3 đến tháng 5 năm sau. Vì vậy, sự chủ động từ các thành viên trong chuỗi sản xuất sẽ giúp cả ngành hàng phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh, sẵn sàng ứng phó trước mọi diễn biến thị trường.