Vị thế trái ngược của 2 ‘báu vật trời ban’ cho Việt Nam: Một liên tục sụt giảm không lối thoát, một lên như 'diều gặp gió' nhờ khách sộp Trung Quốc, thành mặt hàng tỷ USD chỉ sau 2 năm

Được người Trung Quốc cực kỳ say mê, 2 kho báu tỷ đô này của Việt Nam hiện đang có vị thế hoàn toàn trái ngược trên cuộc đua xuất khẩu.

Vị thế trái ngược của 2 ‘báu vật trời ban’ cho Việt Nam: Một liên tục sụt giảm không lối thoát, một lên như 'diều gặp gió' nhờ khách sộp Trung Quốc, thành mặt hàng tỷ USD chỉ sau 2 năm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cách đây vài năm, thanh long là loại quả mang về giá trị xuất khẩu lớn nhất của ngành rau quả. Năm 2018, kỷ lục cao nhất mà quả thanh long mang lại cho Việt Nam là gần 1,3 tỉ USD nhưng sau đó giảm dần và mất mốc xuất khẩu 1 tỉ USD vào năm 2022.

Nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thanh long chỉ đạt 292 triệu USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, trái sầu riêng đang lên như diều gặp gió kể từ năm 2023 đến nay. Trong nửa đầu năm 2024, sầu riêng tiếp tục giữ vị trí vua trái cây với vị trí số 1 về trị giá xuất khẩu với hơn 1,3 tỷ USD, tăng mạnh 44% so với cùng kỳ năm 2023.

Vị thế trái ngược của 2 loại trái cây tỷ đô

Theo số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, sầu riêng tiếp tục giữ vị trí vua trái cây với vị trí số 1 về trị giá xuất khẩu với hơn 1,3 tỷ USD, tăng mạnh 44% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 65% tỷ trọng trong nhóm quả xuất khẩu.

Trong số 10 thị trường hàng đầu nhập khẩu sầu riêng Việt Nam nửa đầu năm, Trung Quốc dẫn đầu với kim ngạch 1,22 tỷ USD, chiếm 92,4%. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng 46%. Đáng chú ý, ngoại trừ Trung Quốc thì Thái Lan lại là nước nhập khẩu sầu riêng Việt Nam nhiều nhất thế giới. Người Thái đã chi đến 47 triệu USD để nhập sầu riêng Việt Nam, tăng đến 90,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh 2 thị trường lớn này, Nhật Bản và Campuchia cũng đang tăng cường mua sầu riêng Việt. Theo đó, Nhật Bản chi gần 2,7 triệu USD, Campuchia chi gần 1,7 triệu USD, tăng lần lượt gấp 2 và 23 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá sầu riêng xuất khẩu cũng tăng mạnh 6 tháng qua, dao động 4,3 - 4,5 USD (110.000 - 115.000 đồng) một kg, tùy thị trường. Hiện giống Monthong được ưa chuộng nhờ chất lượng cao, hạt lép, mùi thơm ngon và không bị nhão. Thời gian bảo quản của loại này cũng dài hơn so với Ri 6 và các giống khác.

Vị thế trái ngược của 2 ‘báu vật trời ban’ cho Việt Nam: Một liên tục sụt giảm không lối thoát, một lên như 'diều gặp gió' nhờ khách sộp Trung Quốc, thành mặt hàng tỷ USD chỉ sau 2 năm- Ảnh 2.

Đối với trái thanh long, sau khi lên ngôi vương trái cây tỷ đô vào năm 2018 với kim ngạch 1,3 triệu USD, xuất khẩu loại trái cây này liên tục sụt giảm. Giá trị xuất khẩu thanh long liên tục giảm từ 1,25 tỷ USD năm 2019 xuống còn 663 triệu USD năm 2022. Đến hết tháng 8 năm 2023, giá trị xuất khẩu thanh long mới đạt gần 450 triệu USD giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Bước sang nửa đầu năm 2024, xuất khẩu thanh long đem về 292 triệu USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của thanh long Việt Nam với giá trị 203 triệu USD, chiếm 68% thị phần tuy nhiên giảm 26% so với nửa đầu năm 2023.

Diện tích trồng của 2 loại cây này cũng ghi nhận xu hướng tăng giảm trái chiều.

Hiện cây thanh long được trồng nhiều nhất ở các tỉnh như: Bình Thuận chiếm 50,73% diện tích cả nước, tiếp đến là Tiền Giang 16,42%, Long An là 15,15%. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, đến năm 2022, sản lượng thanh long của Việt Nam đạt hơn 1,28 triệu tấn.

Từ năm 2010 đến 2020, diện tích thanh long có tốc độ tăng trưởng đạt 15,1%/năm và đạt cao nhất với 65.500 ha năm 2020 . Nhưng từ sau năm 2020 do ảnh hưởng dịch Covid-19 và chính sách Zero-Covid của Trung Quốc cho nên diện tích trồng thanh long nước ta giảm hơn 9.000 ha so với năm 2020 và đến nay chỉ còn dưới 60.000 ha.

Ngược lại, một trong những lý do sầu riêng Việt Nam ngày càng tăng nhiệt là Trung Quốc dù đã trồng loại cây này nhưng chỉ có diện tích rất nhỏ so với nước ta. Theo China News Service, Trung Quốc đã trồng sầu riêng ở các khu vực như Hải Nam, Tam Á và Yucai.

Lô đầu tiên từ Hải Nam sẽ được đưa ra thị trường trong tháng 6 với khoảng 500 cây hiện đang cho quả. Sầu riêng Hải Nam đã được trồng 4 năm và năm nay đánh dấu vụ thu hoạch đầu tiên. Theo ước tính, sầu riêng sẽ được trồng ở Hải Nam trên hơn 6.600ha đất trong vòng 3 đến 5 năm tới, năng suất từ 3-5 trái mỗi cây.

Đối với sầu riêng, theo số liệu từ Cục Trồng trọt, diện tích sầu riêng của cả nước đạt hơn 150.000 ha vào năm 2023 , với khoảng 76.000 ha đang cho thu hoạch. Cây sầu riêng tập trung nhiều nhất ở khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và một số ít ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ.

Ước tính, có khoảng 50% diện tích sầu riêng đang cho thu hoạch với sản lượng sầu riêng năm 2023 đạt gần 1,2 triệu tấn. Trong một vài năm tới, khi diện tích cho thu hoạch tăng lên, sản lượng sầu riêng Việt Nam có thể sẽ tăng gấp đôi.

Nguyên nhân sụt giảm của trái thanh long do đâu?

Một trong những lý do sụt giảm lớn nhất của thanh long là do thị trường chủ đạo Trung Quốc hiện đã trồng loại cây này với diện tích rất lớn. Mới đây, Trung Quốc công bố trồng được 67.000 ha thanh long, sản lượng 1,6 triệu tấn, nhiều hơn Việt Nam cả về diện tích, sản lượng. Chính vì Trung Quốc có quy mô về diện tích và sản lượng tăng nhanh, cho nên nhu cầu nhập khẩu hạn chế.

Cục Trồng trọt cho rằng, hiện nay yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã thanh long quả tươi xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Giống chủ lực là thanh long vỏ đỏ ruột trắng của nước ta có kích cỡ, mẫu mã đẹp và ấn tượng nhưng vị nhạt, không giòn và ngọt như thanh long vỏ vàng.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao khi xuất khẩu chính ngạch. Mặt khác, xuất khẩu thanh long Việt Nam sang các thị trường Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, châu Mỹ… cũng như tiêu dùng trong nước và công nghiệp chế biến tăng trưởng không cao. Qua thống kê, hiện nay 80 đến 85% sản lượng thanh long của nước ta sản xuất ra hằng năm phục vụ xuất khẩu.

Dự báo thị trường thanh long sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới nếu Việt Nam chỉ tập trung tăng diện tích thanh long mà không nỗ lực cải thiện nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

Tín hiệu vui là hầu hết các thị trường nhập khẩu thanh long ngoài Trung Quốc đều có giá trị tăng, như: Ấn Độ 21 triệu USD, tăng 35%; Mỹ 18 triệu USD, tăng 90%; Hàn Quốc 10 triệu USD, tăng 36%; UAE 7,8 triệu USD, tăng 60%…

Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển hướng thị trường khá tốt.