Trung Quốc tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam: Kỳ vọng bứt phá mới

Mục tiêu tăng giá trị xuất khẩu cà phê trong năm nay đang được xây dựng trên nền tảng khá tốt.

Trung Quốc tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam

Báo Công Thương dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu cà phê đạt trên 109,85 nghìn tấn, trị giá 490 triệu USD, tăng 155,1% về lượng và tăng 104,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

5 tháng đầu năm 2024, giá bình quân nhập khẩu cà phê vào Trung Quốc đạt mức 4.461 USD/tấn, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá bình quân nhập khẩu cà phê của Trung Quốc từ nhiều nguồn cung lớn giảm, ngoại trừ Việt Nam và Ethiopia.

Thông tin trên Cio5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các nguồn cung chủ yếu cà phê cho Trung Quốc gồm: Brazil, Colombia, Việt Nam, Ethiopia, Tanzania, Uganda, Indonesia, Hoa Kỳ, Italia…

Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ hầu hết các nguồn cung trên tăng, ngoại trừ Ethiopia. Trong 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu cà phê từ Brazil đạt 51,95 nghìn tấn, trị giá 183,27 triệu USD, tăng 273,1% về lượng và tăng 258,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của thị trường Trung Quốc tăng từ 32,33% trong 5 tháng đầu năm 2023 lên 47,29% trong 5 tháng đầu năm 2024. Tương tự, 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, tăng 25% về lượng và tăng 80,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 9,78 nghìn tấn, trị giá 31,63 triệu USD.

Tuy nhiên, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 18,18% trong 5 tháng đầu năm 2023 xuống 8,91% trong 5 tháng đầu năm 2024.

Ngoài ra, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu cà phê từ các thị trường Colombia và Tanzania trong 5 tháng đầu năm 2024, mức tăng lần lượt 475,1% và 1.026,7% về lượng, xét về trị giá tăng lần lượt 328,1% và 643% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trung Quốc tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam: Kỳ vọng bứt phá mới- Ảnh 1.

Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu nằm trong tốp đầu của ngành Nông nghiệp. Ảnh minh họa.

Giá cà phê tăng, kỳ vọng tạo đỉnh lịch sử mới

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay, nước ta xuất khẩu gần 894.000 tấn cà phê nhân các loại, giá trị ước đạt 3,19 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê xuất khẩu tuy giảm 11,4% nhưng giá trị lại tăng mạnh 33,2%.

Giá bình quân xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 6 đạt 4.489 USD/tấn, tăng 5% so với tháng 5 trước đó và tăng mạnh 67,3% so với tháng cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, giá bình quân xuất khẩu loại hạt này của nước ta đạt 3.570 USD/tấn, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, lượng xuất khẩu cà phê trong các tháng 7, tháng 8, tháng 9 sẽ giảm dần, do nguồn cung dần hết. Phải chờ sang tháng 10, khi vụ thu hoạch cà phê mới bắt đầu, thì nguồn cung cà phê của Việt Nam mới tăng trở lại.

Nguồn cung cà phê của Việt Nam thiếu hụt, trong khi các nhà đầu cơ bắt đầu tích trữ hàng nên giá cà phê quý 3 dự báo sẽ tiếp tục tăng cao. Cộng thêm nguồn cung cà phê các nước xuất khẩu lớn trên thế giới giảm do thời tiết như Brazil sẽ khiến giá cà phê có xu hướng tăng trong thời gian tới.

Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam ước tính, sản lượng cà phê Robusta của nước ta vụ 2023-2024 đạt khoảng 26,7 triệu bao (bao 60kg), tuy nhiên, vụ 2024-2025 nhiều khả năng giảm về mức 21,4-22,7 triệu bao. Con số này thấp hơn đáng kể so với dự báo sơ bộ 24 triệu bao của Volcafe đưa ra trước đó và thấp hơn rất nhiều so với con số 27,85 triệu bao mà Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính.

Một số công ty cà phê cho hay kho hàng của doanh nghiệp gần như cạn sạch, trong khi tháng 10 mới bước vào vụ thu hoạch mới ở nước ta.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương (VITIC), đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân sống lớn tại khu vực Tây Nguyên cho biết, lượng hàng trong kho không còn nhiều và sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 chắc chắn sẽ không bằng niên vụ trước.

Mặc dù khu vực Tây Nguyên - vùng trồng cà phê chính của Việt Nam đã bước vào mùa mưa, nhưng giới đầu tư quốc tế hiện cho rằng lượng mưa vẫn đang thấp hơn mức thông thường các năm trước, sẽ tác động tiêu cực đến sinh trưởng của cây cà phê. Những thông tin trên tiếp tục thúc đẩy Robusta tăng ngay đầu tuần.

Giá cà phê Việt Nam đang có triển vọng sáng, nhưng đi kèm với đó là thách thức lớn về chất lượng và phát triển bền vững. Sự quan tâm và đầu tư đúng mức sẽ là yếu tố then chốt giúp ngành cà phê Việt Nam tiếp tục vươn xa trên thị trường quốc tế. Với những biến động mạnh mẽ trong giá cả và tình hình thị trường, việc nắm bắt cơ hội và ứng phó với thách thức sẽ quyết định sự thành công của ngành cà phê Việt Nam trong tương lai.

Thông tin trên báo Hà Nội Mới, theo các chuyên gia, giá cà phê xuất khẩu hiện nay tăng mạnh là do nguồn cung cà phê khan hiếm. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Hằng năm, Việt Nam sản xuất từ 27 đến 30 triệu bao cà phê Robusta, đóng góp khoảng 40% tổng sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, kể từ sau niên vụ 2021-2022, thị phần cà phê của Việt Nam liên tục sụt giảm, từ việc chiếm 40% tổng sản lượng toàn cầu, giảm xuống còn 36% trong niên vụ hiện tại. Đây là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của ngành hàng này ở những năm tiếp theo.

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2023-2024 tại Việt Nam giảm thêm 10% so với vụ trước, còn khoảng 1,6 triệu tấn (tương đương 26 triệu bao loại 60kg). Đây là tác động bởi biến đổi khí hậu gây nắng nóng khiến một số vùng sản xuất cà phê tại Việt Nam không còn phù hợp và sản lượng có xu hướng giảm.

Nhằm phát triển lâu dài cho ngành hàng cà phê, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương rà soát vùng trồng phù hợp; đồng thời, giám sát các địa phương thực hiện "Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030". Mục tiêu đến năm 2025, diện tích cà phê đặc sản của nước ta chiếm khoảng 2% tổng diện tích, tương đương sản lượng ở mức 5.000 tấn và sẽ tăng lên tương ứng 3% và 11.000 tấn vào năm 2030. Ngoài ra, các vùng trồng cần chủ động ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tập trung vào nguồn cà phê có giá trị kinh tế cao, tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật…

"Ngành cà phê cần lựa chọn những mặt hàng cà phê có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, nhằm mở rộng xuất khẩu những mặt hàng này; đồng thời, phải nâng cao chất lượng sản phẩm và chú trọng xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế trên thị trường cà phê thế giới mới tạo sự phát triển bền vững", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Trúc Chi (t/h)