Thủ phủ chanh dây trước nguy cơ 'vỡ trận'

Phát triển diện tích ồ ạt khiến thủ phủ chanh dây Gia Lai đang đứng trước nguy cơ

Thủ phủ chanh dây trước nguy cơ 'vỡ trận'- Ảnh 1.

Vườn chanh leo tại tỉnh Gia Lai bị bỏ, không thu hoạch.

Trước đó, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo về phát triển diện tích theo đúng định hướng, tuy nhiên, khi người dân thấy loại cây trồng nào đang trên đà được giá là tự ý nhân rộng diện tích và đều vỡ trận vì điệp khúc xưa "được mùa mất giá - được giá mất mùa".

Từ những năm 2021 - 2022, Gia Lai được mệnh danh là thủ phủ chanh dây bởi loại cây này cho giá trị kinh tế cao, dễ chăm sóc, vòng thu hoạch ngắn nên người dân đã chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng thậm chí cả cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu sang trồng chanh dây. Thực tế những năm đó, người dân Gia Lai đã có thu hoạch cao, một viễn cảnh hấp dẫn khiến cho ngành nông nghiệp của tỉnh cũng tin tưởng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ tăng diện tích lên hơn 25.000 ha.

Tuy nhiên, chỉ đến giữa năm 2023, giá chanh dây “tụt dốc không phanh”, từ 17.000 đồng/kg xuống còn 3.000 đồng/kg (chanh múc) đã khiến cho ngành hàng triệu đô trở nên mất phương hướng.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Lê Kim Long, thôn Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh vẫn còn tiếc nuối về một thời hoàng kim của cây chanh dây. Anh Long cho biết, anh bắt đầu trồng chanh dây từ năm 2018, vào đầu năm 2023, khi giá chanh dây tăng lên gần 20.000 đồng/kg, với 1,7 ha của gia đình, anh Long thu lợi nhuận hơn 600 triệu đồng.

Không chỉ gia đình anh Long mà hàng trăm gia đình trong khu vực cũng ồ ạt chuyển đổi cây trồng sang trồng chanh dây khiến câu chuyện “vỡ trận” chanh dây ngày càng rõ rệt vì cung lớn hơn cầu. Theo anh Long, một nguyên nhân nữa đó là chất lượng cây giống chanh dây cũng không còn được đảm bảo như những mùa vụ đầu, thậm chí có nhiều hộ dân tự nhân giống khiến chất lượng cây càng ngày càng giảm. Ngoài ra, thời tiết khắc nghiệt với những cơn mưa kéo dài đã khiến chất lượng cây chanh dây kém đi, dần suy yếu. Quan trọng nhất vẫn là giá cả tụt sâu giữa lúc cây chanh dây đang gặp nhiều bất trắc khiến niềm tin của người trồng dần cạn theo những vườn chanh dây đang dần héo úa.

Anh Đinh Xuân Kháng, thôn 1, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai cho hay vẫn không thể quên cái thời hoàng kim, thương lái ào ạt đến thu mua chanh dây. Có những ngày, chỉ với hơn 3 ha của mấy anh em mà xe tải hàng chục tấn chở không hết. Mỗi ngày, riêng gia đình thu về không dưới 10 triệu đồng từ bán chanh dây. Sau khi vỡ trận, người dân khu vực này đã phá chanh dây để trở lại trồng cà phê khi giá cà phê năm nay lập đỉnh.

Vỡ trận chanh dây cũng như các cây nông nghiệp khác đã quá quen thuộc với người nông dân trên cả nước nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng, tuy nhiên, người trồng vẫn chưa thể rút ra bài học đắt giá vì thói quen phát triển diện tích một cách ồ ạt, không theo định hướng của ngành nông nghiệp địa phương. Trong khi đó, nếu đảm bảo các yêu cầu xuất khẩu, cây chanh dây vẫn có thể là cây trồng cho giá trị kinh tế cao.

Theo ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, để chanh dây phát triển bền vững, ngành nông nghiệp địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, cần tập trung tham mưu, đổi mới, nâng cao năng lực hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, trọng tâm là các hợp tác xã. Phát triển chanh dây cần phải theo nhu cầu thị trường và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Xây dựng và hoàn thiện hồ sơ mã số vùng trồng, diện tích, địa điểm và các hàng rào kỹ thuật theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Thực tế cho thấy, việc tuân thủ các khuyến cáo từ chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn là rất quan trọng. Người dân không nên vì thấy lợi nhuận trước mắt mà ồ ạt mở rộng diện tích chanh dây. Sự tăng trưởng diện tích quá nhanh có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, dẫn đến giá giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người trồng. Nhằm ổn định thị trường chanh dây trong thời gian tới cần có sự giúp sức từ phía chính quyền để có những hoạch định chiến lược cụ thể, tránh tình trạng ồ ạt trồng rồi lại phá bỏ