Nuôi loài có khả năng tự đổi giới tính, nông dân bỏ túi 2 tỷ/năm

Đây là mô hình làm kinh tế giúp nông dân có nguồn thu nhập đáng kể.

- Nuôi lươn không bùn trong bể bê tông giúp nông dân ở Cà Mau có thu nhập tốt.

- Nuôi lươn không bùn yêu cầu nhiều kỹ thuật chăm sóc.

Anh Huỳnh Chí Nguyện (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) nuôi lươn không bùn gần 10 năm, do dễ chăm sóc, lươn lại mau lớn, ít bệnh. Ban đầu, anh chọn hình thức trải bạt, nhưng không hiệu quả vì khó quan sát nước và quá trình sinh trưởng của lươn. Sau đó, anh nông dân huyện Trần Văn Thời chuyển sang nuôi lươn không bùn trong bể bê tông.

Theo Báo Cà Mau, diện tích trại nuôi của anh Nguyện 300 m2, mỗi hồ nuôi khoảng 6 m2, anh thả từ 3-5 nghìn con giống, sau 10-12 tháng có thể thu 600-700 kg lươn, với trọng lượng trung bình từ 500-700 gram/con.

Nuôi loài có khả năng tự đổi giới tính, nông dân bỏ túi 2 tỷ/năm- Ảnh 1.

Hiện anh Huỳnh Chí Nguyện (Cà Mau) có 24 hồ nuôi lươn không bùn, mỗi năm thu hoạch từ 5-10 tấn. Ảnh: Báo Cà Mau.

Hiện anh Nguyện có 24 hồ, mỗi năm thu hoạch từ 5-10 tấn. Trước đây giá bán 170-180 ngàn đồng/kg, nhưng hiện nay khoảng 80-90 ngàn đồng/kg, nếu như giá thức ăn không tăng quá cao thì người nuôi vẫn có lãi. Tức có giai đoạn, anh Nguyện có thu nhập năm lên đến 2 tỷ đồng.

Theo anh Nguyện, điều quan trọng nhất trong nuôi lươn không bùn chính là bể nuôi và nguồn nước. Ðối với bể nuôi, bên trong và đáy bể đều được ốp gạch men, điều này giúp lươn không bị tổn thương, trầy xước. Mặt khác, đáy bể được thiết kế có cống thoát nước để thuận tiện trong việc thay nước và vệ sinh, đồng thời dùng nắp bịt kín lại để tránh lươn chui ra ngoài qua miệng cống thoát nước. Xuyên suốt quá trình nuôi lươn không bùn, trong bể lúc nào cũng thả giá thể bằng ni lông để lươn có nơi trú ẩn.

Nuôi lươn không bùn như thế nào cho hiệu quả?

Lươn là loài động vật lưỡng tính sống ở nước ngọt thuộc họ nhà cá (Anguillidae). Lươn đồng hay lươn nước ngọt có tên khoa học là Fluta alba. Lươn có cấu tạo hình thái và cơ quan hô hấp khá đặc biệt: da trơn bóng không có vảy, hình dạng như rắn, thân tròn, đường kính từ 2 – 3 cm, thân dài từ 30 – 60 cm, có thể hô hấp qua xoang hầu, da và đôi lỗ mũi.

"Trong tuyến sinh dục có cả tinh nang lẫn noãn sào. Do đó lươn còn được gọi là loài lưỡng tính, theo nghiên cứu cho thấy tất cả lươn con đều là lươn cái. Nhưng sau khi sinh sản thì lươn cái đó dần biến thành lươn đực", Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Nam cho biết.

Theo Cổng thông tin Tiền Giang, bể nuôi lươn không bùn có thể là bể xi măng, bể lót bạt và có thể tận dụng chuồng heo cũ để nuôi. Để tiết kiệm diện tích xây dựng và dễ quản lý, nên thiết kế khu nuôi thành nhiều bể liên tiếp.

Nuôi loài có khả năng tự đổi giới tính, nông dân bỏ túi 2 tỷ/năm- Ảnh 2.

Mô hình nuôi lươn không bùn được nhiều nông dân lựa chọn.

Nên chọn mua con giống nhân tạo ở các cơ sở sản xuất có uy tín, con giống có kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, có màu vàng đặc trưng của loài, bơi nhanh nhẹn, da không bị trầy xước, mất nhớt. Cỡ giống khoảng 300 - 500 con/kg. Đặc biệt lươn giống nhân tạo này đã được thuần bằng thức ăn viên.

Định kỳ bổ sung thêm men tiêu hóa, Vitamin C, sổ giun sán và trộn tỏi vào thức ăn để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho lươn. Đặc tính của lươn là ăn vào ban đêm, do đó, ban đêm cho lươn ăn lượng thức ăn khoảng 80%, còn 20% cho ăn vào ban ngày.

Nếu nuôi mật độ dày, nên thay nước mỗi ngày 2 lần, còn ở mật độ thưa thì 1 ngày thay nước 1 lần. Nhiệt độ nước mới và nước cũ không chênh lệch quá 3 độ C.

Sau thời gian nuôi, khi lươn đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch, trước khi thu hoạch nên cho lươn nhịn ăn 1 ngày. Tùy theo mật độ nuôi lươn, năng suất có thể đạt từ 15 - 20kg/m2/vụ (mật độ 150 con/m2), năng suất có thể tăng gấp đôi nếu nuôi mật độ cao.