Nỗi lo đằng sau giá lúa cao kỷ lục

- Đằng sau việc giá lúa tăng lên mức kỷ lục vẫn còn đó những nỗi lo mà bất cứ ai trong ngành lúa gạo cũng không thể đứng ngoài.

Chưa bao giờ bà con tại ĐBSCL lại chứng kiến giá lúa tăng từng ngày và hiện đã vượt mốc 9.000 đồng/kg. Thậm chí ở một số nơi, giá được chốt đến 9.400 đồng/kg. Với nông dân, ai cũng mong sẽ bán được lúa với giá cao, nhưng đi kèm cũng có cả nỗi lo.

Vụ Thu Đông này, ông Võ Minh Tài (xã Phú Đức, Tam Nông, Đồng Tháp) xuống giống 4,5 ha. Lúa dự kiến khoảng 10 ngày nữa sẽ thu hoạch. Những ngày qua, giá lúa liên tục tăng.

Giá lúa tăng cao cũng khiến lượng thương lái đổ dồn về các khu vực đang có lúa chuẩn bị thu hoạch. Tại một khu ô bao xã Phú Đức đã có khoảng 70 - 80% nông dân chốt giá. Số còn lại đang chờ để xem giá lúc có tiếp tục tăng hay không rồi mới quyết định. Bởi theo tính toán thì dù giá lúa tăng cao kỷ lục nhưng lợi nhuận thật sự của nông dân cũng không tăng nhiều.

"Nếu mức giá hiện nay bình quân nông dân lãi khoảng 1,5 triệu - 2 triệu đồng. Năng suất hơi hạn chế, chi phí cũng tăng cao", anh Khươu Hồng Hoàng - xã Phú Đức, Tam Nông, Đồng Tháp cho hay.

Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc HTX Phú Xuân, Đồng Tháp nói: "Giá lên quá thì liên kết cũng dễ gãy đổ, công ty không theo kịp".

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, giá lúa, gạo tăng cao dẫn đến việc giao hàng của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, vì hợp đồng xuất khẩu có thời gian giao hàng ít nhất từ 1 đến 3 tháng.

Giá tăng nóng như hiện nay dẫn đến một số trường hợp doanh nghiệp lỗ nhiều quá phải hủy hợp đồng. Số khác để giữ chữ tín bắt buộc mua giá cao để gom cho đủ hàng.

Có thể thấy, đằng sau việc giá lúa tăng lên mức kỷ lục vẫn còn đó những nỗi lo mà bất cứ ai trong ngành lúa gạo cũng không thể đứng ngoài. Câu chuyện liên kết, chia sẻ lợi nhuận một cách hài hòa lại được nhắc đến.