6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Công an tỉnh Thừa thiên Huế điều tra, xử lý hình sự 25 vụ, bắt giữ 66 đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội, thu hồi tài sản hơn 4 tỷ đồng.
Các phương thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến của tội phạm công nghệ cao gồm: lừa đảo tình cảm sau đó dẫn dụ đầu tư tài chính, làm nhiệm vụ online hoặc gửi tiền, quà có giá trị; giả danh công ty tài chính, ngân hàng để hỗ trợ cho vay, nâng hạn mức tín dụng sau đó yêu cầu chuyển tiền để làm thủ tục.
Các đối tượng mạo danh hoặc chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội nhắn tin, gọi điện vay tiền; giả danh cơ quan công quyền gọi điện đe dọa yêu cầu chuyển tiền hoặc hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa đảo. Đối tượng chính mà tội phạm lừa đảo trực tuyến thường nhắm đến là phụ nữ, công nhân, nông dân, hưu trí.
Dù lực lượng chức năng đã tích cực tuyên truyền phòng ngừa tội phạm công nghệ cao bằng nhiều hình thức nhưng vẫn còn tình trạng mất cảnh giác bị lừa, kể cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức…
Nguyên nhân chính do nhiều người hám lợi, nhẹ dạ cả tin để đối tượng dụ dỗ, đe dọa. Phương thức thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, tận dụng tối đa tiện ích internet, đánh trực tiếp vào nhu cầu người dân. Công tác quản lý nhà nước còn nhiều lỗ hổng.
Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, giải pháp căn cơ và hiệu quả nhất là sự phối hợp, hợp tác của mỗi người dân khi phát hiện ra những vấn đề liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao thì kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an để nhận diện, đấu tranh triệt phá. Có như vậy thì tội phạm liên quan đến công nghệ cao mới được kìm chế, tiến tới bị đẩy lùi.