Trước đó, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ về đề xuất phương án cân nhắc không giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Lý do được Bộ Tài chính đưa ra là bởi lo ngại việc giảm 50% lệ phí trước bạ với sẽ vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Về vấn đề liên quan đến trách nhiệm thực hiện các cam kết quốc tế, Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty luật SBLAW.
Người Đưa Tin: Nguyên tắc Đối xử quốc gia trong WTO và FTA mà Việt Nam là thành viên quy định như thế nào, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Đối xử quốc gia là một phần không thể thiếu của nhiều thỏa thuận WTO. Cùng với nguyên tắc Tối huệ quốc, Đối xử quốc gia (National Treatment) là một trong những nền tảng của pháp luật thương mại của WTO. Các nguyên tắc này được ghi nhận trong tất cả ba hiệp định chính của WTO (GATT, GATS và TRIPS).
Ðối xử quốc gia nghĩa là đối xử bình đẳng giữa sản phẩm nước ngoài và sản phẩm nội địa. Nội dung của nguyên tắc này là hàng hoá nhập khẩu và hàng hóa tương tự sản xuất trong nước phải được đối xử công bằng, bình đẳng như nhau.
Cụ thể trong WTO, nguyên tắc Đối xử quốc gia được quy định tại điều III GATT (Hiệp định chung về thuế quan và thương mại), điều XVII GATS (Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ) và điều III TRIPs (Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ): Bất kỳ một sản phẩm nhập khẩu nào, sau khi đã qua biên giới, trả xong thuế hải quan và các chi phí khác tại cửa khẩu, bắt đầu đi vào thị trường nội địa, sẽ được hưởng sự đối xử ngang bằng (không kém ưu đãi hơn) với sản phẩm tương tự được sản xuất trong nước.
Mục đích của quy tắc thương mại này là để ngăn chặn loại các loại thuế nội địa hoặc các quy định khác đang được sử dụng như là một thay thế cho bảo hộ thuế quan; đảm bảo cơ hội cạnh tranh bình đẳng giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu.
Người Đưa Tin: Nếu Việt Nam thực hiện giảm lệ phí trước bạ 50% với ôtô sản xuất trong nước thì chúng ta phải trả lời khi các đối tác nước ngoài có ý kiến về vấn đề này. Và cứ kiên quyết giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước điều đó xảy ra Việt Nam sẽ đối mặt điều gì?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Việt Nam có thể đối mặt với rủi ro bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế nếu tiếp tục thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Bộ Tài chính đánh giá chính sách này có thể vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia trong khuôn khổ WTO và FTA mà Việt Nam đã ký kết. Để ứng phó với rủi ro này, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2024.
Thay vào đó, Bộ Tài chính kiến nghị giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát và xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp Việt Nam bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế.
Nếu bị khởi kiện, Việt Nam có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt thương mại như áp thuế nhập khẩu cao, hạn chế tiếp cận thị trường, hoặc phải bồi thường thiệt hại cho các bên khởi kiện.
Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư của Việt Nam. Do đó, tôi cho rằng cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng các cam kết quốc tế khi xây dựng chính sách thuế là rất cần thiết để tránh rủi ro pháp lý và thương mại.
Người Đưa Tin: Là một người làm luật liên quan đến kinh tế quốc tế, ông đánh giá sao về việc chúng ta liên tiếp vướng vào nguyên tắc Đối xử quốc gia?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Việc Việt Nam liên tiếp vướng vào nguyên tắc Đối xử quốc gia trong các chính sách kinh tế, đặc biệt là liên quan đến ô tô sản xuất trong nước, phản ánh một số vấn đề cơ bản trong việc hoạch định và thực thi chính sách.
Dưới góc độ của một người làm luật liên quan đến kinh tế quốc tế, tôi cho rằng việc vi phạm nguyên tắc Đối xử quốc gia là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc tuân thủ các cam kết quốc tế, đặc biệt là trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Điều này có thể gây ra các tranh chấp quốc tế và ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam. Việc liên tiếp xảy ra các vụ vi phạm nguyên tắc Đối xử quốc gia phản ánh sự thiếu nhất quán, minh bạch trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật kinh tế của Bộ, ngành.
Có thể hiểu được rằng các cơ quan ban ngành đang cố gắng bảo vệ và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô nội địa, nhưng việc này lại mâu thuẫn giữa mục tiêu phát triển kinh tế và cam kết quốc tế.
Cần phải tìm cách cân bằng giữa việc bảo vệ lợi ích kinh tế trong nước và tuân thủ các cam kết quốc tế để tránh xung đột, tranh chấp thương mại. Việc liên tiếp vi phạm nguyên tắc Đối xử quốc gia có thể làm giảm uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, làm khó khăn hơn cho việc đàm phán các hiệp định thương mại mới.
Cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện cùng Người Đưa Tin!
Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) và đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do FTA (Hiệp định thương mại tự do) với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới. Điểm quan trọng của các hiệp định FTA là không phân biệt đối xử đối với hàng hoá nhập khẩu từ tất cả các nước thành viên WTO. Điều này có nghĩa nếu một nước thành viên WTO dành bất kỳ ưu đãi thuế quan nào cho hàng hóa từ một nước thành viên WTO thì cũng phải cho hàng hóa đến từ tất cả các thành viên khác ưu đãi tương tự.
LÊ ANH