Doanh nghiệp sản xuất kỳ vọng tăng trưởng mạnh về cuối năm

Nhờ đơn hàng đã bắt đầu ổn định, tiêu dùng tăng, doanh nghiệp sản xuất trong nước kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn về cuối năm.

6 tháng đầu năm 2024, dệt may là một trong số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng trong top đầu cả nước với 16,282 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Từ đầu quý II/2024, đơn hàng cải thiện nhanh chóng, doanh nghiệp vào guồng sản xuất với cường độ cao. Ông Cao Hữu Hiếu- Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, hầu hết doanh nghiệp ngành may đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý 3/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý 4/2024 – mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết.

“Dựa trên những tín hiệu đã có, đặc biệt là tình hình hình đơn hàng về nhiều vào quý 3 và quý 4, kết hợp cùng mức tăng trưởng 5% trong nửa đầu năm, dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2024 tăng 8-10% so với năm 2023. Riêng với Tập đoàn, tín hiệu tích cực hơn từ thị trường, đặc biệt là ngành sợi, 6 tháng cuối năm kết quả sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn kỳ vọng”, ông Hiếu nhận định.

Cũng kỳ vọng mạnh mẽ về tình hình thị trường cuối năm, ông Phạm Công Thảo- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) chia sẻ, trong 6 tháng cuối năm, thị trường thép có khả năng sẽ tiếp tục đà hồi phục nhờ một số yếu tố tích cực như: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, các chỉ tiêu tăng trưởng được cải thiện qua hàng quý, hoạt động đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy. Chính phủ cũng rất quan tâm tháo gỡ cho lĩnh vực bất động sản, xây dựng tạo tiền đề để nhu cầu tiêu thụ thép trong nước tiếp tục phục hồi.

Bên cạnh đó, những chính sách và một số luật mới như: Luật kinh doanh bất động sản, Luật đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) nếu áp dụng sớm sẽ là một trong những yếu tố góp phần cải thiện nhu cầu cho lĩnh vực bất động sản nửa cuối năm.

Doanh nghiệp sản xuất kỳ vọng tăng trưởng mạnh về cuối năm- Ảnh 1.

Doanh nghiệp sản xuất kỳ vọng tăng trưởng mạnh về cuối năm

Đối với Tổng công ty Thép Việt Nam, để đảm bảo kết quả sản xuất-kinh doanh, Tổng công ty đã triển khai nhiều giải pháp để có thể đẩy mạnh tiêu thụ và giữ vững thị phần trên thị trường, song song với đó tăng cường tìm kiếm các thị trường xuất khẩu.

Tổng công ty cũng chỉ đạo các đơn vị thành viên phải tìm kiếm các giải pháp để giảm chi phí hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh với mục tiêu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 và phấn đấu có hiệu quả tích cực trong năm nay.

Nhìn chung, các doanh nghiệp sản xuất nhìn nhận khá tích cực về tình hình thị trường những tháng cuối năm. Đặc biệt với một số ngành có “mùa vụ” thiên về cuối năm như: Dệt may, da giày, thép… kỳ vọng sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho ngành và về đích “đúng hẹn”.

Ở góc độ vĩ mô, dựa trên khảo sát thực tế, Tổng cục Thống kê cũng đưa ra những kết quả khả quan. Theo đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cho thấy: Dự kiến quý III/2024, có 40,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2024; 42,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Về khối lượng sản xuất, xu hướng quý III/2024 so với quý II/2024, có 39,8% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 44% số doanh nghiệp dự báo ổn định và 16,2% số doanh nghiệp dự báo giảm.

Về đơn đặt hàng, xu hướng quý III/2024 so với quý II/2024, có 38% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 45,8% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và 16,2% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm.

Đơn đặt hàng xuất khẩu, xu hướng quý III/2024 so với quý II/2024, có 33,1% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 50,6% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 16,3% số doanh nghiệp dự kiến giảm.

Dù tình hình sản xuất có khởi sắc, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp xác định nửa cuối năm còn nhiều thách thức: Chi phí logistics có nguy cơ tiếp tục tăng, tăng lương cơ bản và lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao.

Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội thị trường, đẩy nhanh tốc độ hồi phục, Tổng cục Thống kê đề nghị, giảm lãi suất cho vay nhằm giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh; có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào; điều chỉnh thuế phí cho phù hợp; tiếp tục cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước thông qua tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.