Có sản lượng lớn thứ 2 thế giới, 'vàng nâu' của Việt Nam đang được các cường quốc săn lùng với giá đắt đỏ, thu về hàng tỷ USD trong 9 tháng đầu năm

Kể từ đầu năm đến nay, loại nông sản này của Việt Nam đã tăng giá đến 50% và thu về hàng tỷ USD.

Có sản lượng lớn thứ 2 thế giới, 'vàng nâu' của Việt Nam đang được các cường quốc săn lùng với giá đắt đỏ, thu về hàng tỷ USD trong 9 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hạt cà phê của Việt Nam được coi là một trong những sản vật trời ban khi mang lại giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD qua nhiều năm. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của nước ta trong tháng 9 đạt 50.967 tấn với trị giá đem lại hơn 168 triệu USD. Tính đến hết tháng 9, “vàng nâu” của Việt Nam đã thu về hơn 3,12 tỷ USD với hơn 1,25 triệu tấn, giảm 8,3% về lượng nhưng tăng 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi sản lượng xuất khẩu có phần sụt giảm, giá cà phê kéo dài đà tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay, với 3.310 USD/tấn trong tháng 9, tăng mạnh 51,5% so với tháng đầu tiên của năm. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, giá bình quân đạt 2.497 USD/tấn, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Có sản lượng lớn thứ 2 thế giới, 'vàng nâu' của Việt Nam đang được các cường quốc săn lùng với giá đắt đỏ, thu về hàng tỷ USD trong 9 tháng đầu năm - Ảnh 2.

Trong 9 tháng đầu năm, các thị trường lớn nhất của hạt cà phê là Đức, Italy và Mỹ. Trong 9 tháng đầu năm, Đức nhập khẩu từ Việt Nam 148.922 tấn cà phê với trị giá hơn 332 triệu USD, giảm 12% về lượng và giảm 8,5% về trị giá. Giá xuất khẩu đạt 2.230 USD/tấn, tăng 4,6%.

Đứng thứ 2 là Italy với 117.859 tấn với trị giá hơn 262 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, tăng 6,5% về lượng và tăng mạnh 10,8% về trị giá, giá xuất khẩu cũng ghi nhận tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 2.224 USD/tấn.

Có sản lượng lớn thứ 2 thế giới, 'vàng nâu' của Việt Nam đang được các cường quốc săn lùng với giá đắt đỏ, thu về hàng tỷ USD trong 9 tháng đầu năm - Ảnh 3.

Trong số các thị trường nhập khẩu cà phê không thể không nhắc đến Mỹ với thị phần đứng thứ 3 trong 9 tháng đầu năm với sản lượng đạt 92.107 tấn, trị giá đạt 218 triệu USD, tăng nhẹ 3% về lượng và 2% về trị giá. Tuy nhiên giá xuất khẩu giảm nhẹ 1% với 2.377 USD/tấn.

Vào hồi đầu năm, Taste Atlas - trang du lịch trải nghiệm về ẩm thực truyền thống và được mệnh danh là "bản đồ ẩm thực của thế giới" đã đưa ra bảng xếp hạng 10 loại cà phê ngon nhất thế giới. Đáng chú ý, cà phê sữa đá của Việt Nam được xếp ở vị trí số 2 trong số 10 loại cà phê.

Cà phê đá (nâu đá) của Việt Nam là thức uống kết hợp giữa cà phê đậm đặc, sữa đặc và đá. Theo truyền thống, loại cà phê này được pha bằng loại cà phê xay vừa hoặc thô của người Việt, điển hình là loại hạt cà phê Robusta. Tờ báo viết rằng, cách pha cà phê Việt Nam cũng độc đáo, không giống bất kỳ nơi nào trên thế giới khi đổ nước nóng qua phin lọc nhỏ để từng giọt cà phê đậm đặc chảy xuống ly, sau đó sẽ trộn với sữa đặc và thêm đá rồi thưởng thức. Ngoài ra, nhiều người dân Việt Nam cũng thưởng thức cà phê theo một cách khác là chỉ kết hợp cà phê và đá.

Trong top 10 còn có cà phê cortado của Tây Ban Nha, cà phê Thổ Nhĩ Kỳ, espresso của Ý; espressco freddo, freddo cappucchino và frappe của Hy Lạp. Về sản lượng, trong năm 2022, nước ta có sản lượng hơn 1,8 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil và là nước có sản lượng cà phê Robusta lớn nhất thế giới.