Cánh đồng mẫu lớn của Công ty Trung An Cần Thơ.
Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nỗ lực của Việt Nam nhằm cải thiện chất lượng lúa gạo và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Hợp tác công - tư (PPP) được coi là yếu tố cốt lõi để đạt được thành công của đề án, yêu cầu sự tham gia chặt chẽ từ chính phủ, doanh nghiệp, HTX và nông dân.
Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, cần thiết lập khung pháp lý và hỗ trợ quy trình sản xuất bền vững, đồng thời khuyến khích đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ lúa gạo bền vững. Các dự án hạ tầng như cống ngăn mặn, đê bao và kênh dẫn nước đang góp phần kiểm soát lũ và đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa, điển hình là hệ thống cống ngăn mặn Cái Lớn - Cái Bé ở Kiên Giang, giúp bảo vệ các vùng canh tác khỏi xâm nhập mặn trong mùa khô.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá cáo chất lượng những sản phẩm từ sáng kiến của GIC.
Theo ông Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, việc phát triển HTX là nền tảng cốt lõi để thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL. Việc gia tăng số lượng thành viên HTX sẽ là hướng đi trong thời gian tới giúp mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời tạo điều kiện để áp dụng cơ giới hóa và các công nghệ hiện đại trong nông nghiệp.
Đại biểu chia sẻ về những lợi ích thiết thực từ Dự án GIC.
HTX là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. HTX tham gia vào việc vận động nông dân tham gia chuỗi giá trị, cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, và phối hợp với doanh nghiệp để kiểm soát quy trình sản xuất nhằm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao và giảm phát thải. Họ cũng tổ chức các khóa đào tạo giúp nông dân áp dụng phương pháp canh tác bền vững.
Dự án GIC cũng góp phần vào thành công của Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa bền vững tại ĐBSCL, với sự hỗ trợ từ Chính phủ Đức. Dự án này đã đào tạo 24.062 nông dân và kết nối họ với 294 HTX và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi giá trị lúa gạo và xoài tại 6 tỉnh ĐBSCL, nhằm tạo ra chuỗi giá trị ổn định cho sản phẩm gạo ít carbon.
Đại biểu dự Hội nghị Tổng kết “Dự án các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh”.
Để thực hiện thành công Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao giảm phát thải ở ĐBSCL, hợp tác công - tư là rất cần thiết. Chính phủ cần hỗ trợ về mặt pháp lý và hạ tầng, trong khi doanh nghiệp và HTX đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai giải pháp kỹ thuật và tổ chức sản xuất bền vững. Sự phối hợp đồng bộ giữa các bên sẽ giúp Việt Nam phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm phát thải và bảo vệ môi trường, đồng thời giữ vững vị trí trong nhóm nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Quyết Tuấn
Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/thuc-day-dau-tu-sang-tao-theo-phuong-thuc-doi-tac-cong-tu-trong-canh-tac-lua-ben-vung-o-dbscl-a35413.html