Tuyến cao tốc hơn 17.000 tỷ đồng đi qua 2 thành phố và 3 huyện sớm khởi công, được ứng dụng công nghệ cao vào xây dựng

Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Dương sẽ sớm khởi công.

Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua Bình Dương sẽ khởi công trong năm 2024.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (đoạn qua tỉnh Bình Dương) có tổng mức đầu tư khoảng 17.408,39 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 – 2027. Đặc biệt, đây là công trình trọng điểm sẽ sớm được khởi công. UBND tỉnh Bình dương cho biết phấn đấu động thổ công trình trong dịp 02/9/2024.

Trong đó, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là trục cao tốc Bắc Nam kết nối TP.HCM qua Bình Dương đến tỉnh Bình Phước, có tổng chiều dài trên 45,6 km. Quy mô đường cao tốc có vận tốc thiết kế 100 km/giờ, công trình giao thông cấp 1.

Theo đó, dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành là trục cao tốc Bắc Nam của tỉnh Bình Dương, Bình Phước (trục xuyên tâm cắt qua đường Vành đai 4, Vành đai 3, dẫn đến đường Vành đai 2 thành phố Hồ Chí Minh), nối tiếp tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Do đó, tuyến cao tốc này có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố an ninh quốc phòng của vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Hướng tuyến phù hợp với hướng tuyến đã được Bộ Giao thông vận tải thống nhất với UBND tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021.

Cụ thể, từ Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh tuyến đi trùng ĐT.743, ĐT.747 tới trước cầu Khánh Vân, sau đó chuyển hướng rẽ trái tách khỏi đường hiện tại, đi men Suối Cái và song song với ĐH.409; tuyến cắt ĐT.747A tại Cổng Xanh, sau đó đi song song và giao cắt với ĐT.741, cắt đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, lên xã An Long huyện Phú Giáo đến ranh tỉnh Bình Phước.

Điểm đầu tại Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh thuộc địa phận thành phố Thuận An tỉnh Bình Dương. Điểm cuối thuộc Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Tại tỉnh Bình Dương, dự án cao tốc này sẽ đi qua địa giới hành chính TP. Thuận An, TP. Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo và huyện Bàu Bàng.

Ứng dụng công nghệ BIM vào quá trình xây dựng

Theo Cổng thông tin Bộ Xây dựng, cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành được áp dụng công nghệ BIM vào quá trình xây dựng. Bên cạnh đó, các dự án giao thông kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị, kết nối Bình Dương với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước như dự án mở rộng Quốc lộ 13, Đường tỉnh 743, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, Mỹ Phước - Bàu Bàng, đường Vành đai 3 trên cao, Vành đai 4 qua địa phận tỉnh Bình Dương… cũng được ứng dụng công nghệ này.

Công nghệ BIM còn có tên gọi là mô hình thông tin công trình, sử dụng mô hình ba chiều (3D) để tạo ra, phân tích và truyền đạt thông tin của công trình. Việc ứng dụng công nghệ BIM trong lĩnh vực xây dựng giúp các bên liên quan như chủ đầu tư, nhà thầu… đưa ra quyết định, đánh giá xuyên suốt quá trình thiết kế và xây dựng; giúp các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng, quản lý đô thị có được cái nhìn tổng quát, cụ thể về sự phù hợp của quy hoạch, kiến trúc công trình, đấu nối hạ tầng kỹ thuật… phục vụ quá trình xét duyệt quy hoạch, phương án kiến trúc, cấp phép xây dựng.

Trong giai đoạn thiết kế, việc tạo dựng mô hình 3D giúp chủ đầu tư có cái nhìn trực quan rõ ràng công trình hình thành trong tương lai, từ đó yêu cầu đơn vị tư vấn điều chỉnh thiết kế phù hợp một cách nhanh chóng và dễ dàng.