Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 (Coteccons tính niên độ tài chính theo kỳ kế toán từ 1/7/2023 – 30/6/2024, tương ứng quý I/2024 tính từ ngày 1/7/2023 – 30/9/2023) với kết quả kinh doanh tích cực.
Khác với tình hình khó khăn của cùng kỳ năm trước (1/7/2022-30/9/2022), Coteccons đã xoay chuyển tình thế từ lỗ hơn 3 tỷ đồng thành lãi 66 tỷ đồng trong kỳ này.
Trong quý I/2024, Coteccons ghi nhận doanh thu tăng 32% so với cùng kỳ năm trước lên 4.123 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu chủ yếu đến từ hợp đồng xây dựng với hơn 4.116 tỷ đồng, ngoài ra công ty có gần 2 tỷ đồng tiền cho thuê văn phòng cùng 4 tỷ đồng cho thuê thiết bị xây dựng và một số doanh thu khác.
Doanh thu tăng nhiều hơn so với giá vốn hàng bán giúp Coteccons thu về tới 100 tỷ đồng lợi nhuận gộp, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, doanh thu tài chính cũng ghi nhận sự biến động tích cực khi tăng 21% lên hơn 100 tỷ đồng, chủ yếu ghi nhận lãi từ khoản tiền gửi ngân hàng (48 tỷ đồng), và cho vay, đầu tư trái phiếu, góp vốn (gần 25 tỷ đồng).
Đồng thời, một loạt chi phí của doanh nghiệp còn được tiết giảm so với cùng kỳ từ chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp,… giúp Coteccons có thể “tận thu”.
Theo đó, kết thúc quý I/2024, “ông lớn” ngành xây dựng thu về hơn 66,6 tỷ đồng doanh thu, vươn xa so với khoản lỗ cùng kỳ.
Coteccons chia sẻ, chính sách trích lập dự phòng đối với các dự án rủi ro mà ban lãnh đạo công ty đã chủ động thực hiện từ năm trước, đã làm giảm nhẹ được tác động của các biến động về chi phí nhân công, nguyên vật liệu xây dựng và các yếu tố vĩ mô lên chi phí giá vốn trong kỳ.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Coteccons giảm 825 tỷ đồng so với đầu kỳ, chủ yếu ghi nhận giảm ở khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn, các khoản phải thu và hàng tồn kho.
Cụ thể, Coteccons đang đầu tư tài chính ngắn hạn hơn 1.854 tỷ đồng, trong đó có 237 tỷ đồng được dùng để đầu tư chứng khoán. Một số khoản tiêu biểu như đầu tư chứng chỉ quỹ ETF Kim Growth, CTCP FPT, CTCP Đầu tư Thế giới Di dộng,… các khoản mục này đang khiến Coteccons lỗ khoảng hơn 15 tỷ đồng.
Trong quý I/2024, Coteccons đã thu được khoảng 685 tỷ đồng từ CTCP Đầu tư KCN Vinhomes và 130 tỷ đồng từ Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An, từ đó giúp thu hẹp khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng chỉ còn 10.688 tỷ đồng.
Tại danh mục hàng tồn kho, công ty đang có 306 tỷ đồng chi phí công trình dở dang nằm tại dự án Ecopark CT21-22 và hơn 2.682 tỷ đồng tại các công trình xây dựng khác; ngoài ra danh mục hàng hoá bất động sản ghi nhận gần 24 tỷ đồng nằm tại dự án nhà ở thương mại Chung cư Maria Tower, Bình Dương và Dự án KĐT Thông minh Thành Đô, Cần Thơ.
Kết thúc quý I/2024, nợ phải trả của Coteccons chạm ngưỡng 12.212 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu kỳ, cơ cấu nợ tài chính chiếm 1.133 tỷ đồng. Công ty có hơn 471 tỷ đồng vay nợ từ kênh trái phiếu và các khoản còn lại là vay ngân hàng.
Ngoài ra,, Coteccons đang có tới 4.381 tỷ đồng phải trả ngắn hạn cho các nhà cung cấp và công ty cũng đã nhận từ người mua trả tiền trước ngắn hạn với tổng giá trị đạt 2.882 tỷ đồng.
Đáng chú ý, kết thúc ngày 30/9/2023, Coteccons vẫn đang sở hữu hơn 14,43% vốn tại Ricons (tương ứng hơn 303 tỷ đồng), tăng nhẹ 0,3% so với đầu kỳ trong bối cảnh hai công ty đang xảy ra kiện tụng, tranh chấp một số vấn đề về công nợ, tranh chấp hợp đồng kinh tế.
Sau cuộc đấu tố với Ricons, Coteccons đã vụt mất siêu dự án Nhà ga Long Thành, phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông 2023, Chủ tịch HĐQT Coteccons Bolat Duisenov bày tỏ “Chúng tôi là những người khiêm tốn nhưng rất lì đòn. Chúng tôi có thể thất bại nhưng không thất thế. Những công ty xuất chúng đều cần hun đúc để trở nên vĩ đại”.
Dù vậy, công ty cũng đã nhận tin mừng trong quý I/2023 khi được Tòa án Nhân dân Tp.Hồ Chí Minh tuyên án không phải mở thủ tục phá sản theo yêu cầu của Ricons.
Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/tuyen-bo-khiem-ton-nhung-li-don-coteccons-bat-ngo-bao-lai-tro-lai-a912.html