Thanh tra Chính phủ điểm mặt loạt dự án EVN mua điện vượt giá trần

EVN và Bộ Công Thương được Thanh tra Chính phủ xác định có trách nhiệm trong việc mua điện của các dự án nhiệt điện, thuỷ điện với giá vượt giá trần.

Những khuyết điểm, vi phạm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thanh tra Chính phủ nêu ra tại kết luận mới công bố.

Đàm phán nhưng vẫn chịu giá đắt suốt 10 năm

Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, ngày 9/5/2014, Công ty Mua bán điện (thuộc EVN) và Công ty Cổ phần thuỷ điện Trung Nam đã ký kết hợp đồng mua bán điện với giá tạm tính 1.740 đồng/kWh, cao hơn 757 đồng/kWh so với mức giá trần khung giá phát điện năm 2013 áp dụng đối với các nhà máy thuỷ điện (983 đồng/kWh) được quy định tại Quyết định số 8440/QĐ-BCT ngày 15/1/2013 của Bộ Công Thương.

Mặc dù sau đó, EVN đã đề xuất tạm thanh toán theo mức giá trần quy định của từng năm nhưng Bộ Công Thương đã chấp thuận mức giá tạm thời thanh toán là 1.740 đồng/kWh vượt khung giá quy định là chưa đúng quy định của Luật Điện lực và Nghị định số 137/2013/NĐ-CP, theo đó quy định giá mua điện không được vượt khung giá do Bộ Công Thương ban hành.

Sau khi chủ đầu tư phê duyệt quyết toán vốn đầu tư Nhà máy Thuỷ điện Đồng Nai 2, Công ty Mua bán điện và Chủ đầu tư đàm phán lại nhưng giá mua điện vẫn vượt khung quy định là ngoài thẩm quyền phê duyệt hợp đồng của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương).

Tuy nhiên, Cục Điều tiết điện lực chưa thực hiện kiểm tra Hợp đồng mua bán điện, báo cáo Bộ trưởng xem xét giải quyết theo thẩm quyền quy định tại khoản 6 Điều 23 Thông tư số 56/2014/TT-BCT ngày 19/12/2014.

Hồ sơ doanh nghiệp - Thanh tra Chính phủ điểm mặt loạt dự án EVN mua điện vượt giá trần

Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 2 do Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam làm chủ đầu tư.

Hơn nữa, EVN và Công ty Cổ phần Thuỷ điện Đồng Nai 2 chưa kịp thời báo cáo Cục Điều tiết điện lực để kiểm tra hợp đồng mua bán điện sau khi đàm phán và ký tắt Hợp đồng mua bán điện trên cơ sở quyết toán vốn đầu tư là không đúng quy định.

“Việc đàm phán giá điện trên cơ sở số liệu quyết toán vốn đầu tư do chủ đầu tư cung cấp, trong khi số liệu kiểm toán vốn đầu tư dự án do đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện thiếu tin cậy. Do đó, giá mua điện đang tạm thanh toán 1.740 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) là chưa đảm quản cơ sở pháp lý”, kết luận nêu.

Từ những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm dẫn đến việc đàm phán kiểm tra, phê duyệt, xử lý các vướng mắc về giá mua điện, hợp đồng mua bán điện của Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 diễn ra từ tháng 12/2008, đến nay chưa được giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật và hợp đồng mua bán điện.

Sai phạm tương tự cũng diễn ra tại Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4A. Theo Thanh tra Chính phủ, Công ty Mua bán điện và Công ty Cổ phần Phú Thạnh Mỹ (chủ đầu tư Sông Bung 4) ký hợp đồng với giá 1.271,84 đồng/kWh, vượt hơn 211 đồng/kWh so với khung giá năm 2015. Kết quả đàm phán này không được báo cáo với Cục Điều tiết điện lực.

Giá mua điện của Nhà máy Thuỷ điện Sông Bung 4A vượt khung quy định, ngoài thẩm quyền phê duyệt hợp đồng mua bán điện của Cục Điều tiết điện lực, nhưng Cục này chưa kiểm tra hợp đồng, báo cáo Bộ trưởng giải quyết theo thẩm quyền.

Hồ sơ doanh nghiệp - Thanh tra Chính phủ điểm mặt loạt dự án EVN mua điện vượt giá trần (Hình 2).

Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4A.

Việc đàm phán, kiểm tra, phê duyệt và xử lý các vướng mắc về giá mua điện, hợp đồng mua điện của Nhà máy Thuỷ điện Sông Bung 4A diễn ra từ năm 2013 nhưng đến thời điểm thanh tra vẫn chưa giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật và hợp đồng mua điện.

Tuy nhiên, qua thanh tra, ngày 15/7/2022, EVN và Công ty Cổ phần Phú Thạnh Mỹ đã ký hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện, trong đó giá chính thức là 1.110 đồng một kWh, bằng giá trần khung với nhà máy thủy điện năm 2019.

Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm thuộc về EVN, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương.

Phớt lờ kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước

Bên cạnh đó, kết luận thanh tra cũng chỉ ra các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước liên quan xử lý tài chính tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (PV Power là chủ đầu tư) và Nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 5 (Tổng Công ty Điện lực – TKV là chủ đầu tư) chưa được các bên thực hiện, dẫn đến kéo dài nhiều năm.

Cụ thể, ngày 5/9/2016, Kiểm toán Nhà nước có báo cáo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Dự án đầu tư xây dựng công trình phân phối 500 KV Trung tâm Điện lực Vũng Áng, trong đó kiến nghị xử lý tài chính với tổng số tiền giảm trừ gần 3.140 tỷ đồng.

Nhưng đến thời điểm thanh tra, việc đàm phán lại để điều chỉnh giá mua bán điện vẫn chưa được EVN, EPTC và PV Power thực hiện theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Hồ sơ doanh nghiệp - Thanh tra Chính phủ điểm mặt loạt dự án EVN mua điện vượt giá trần (Hình 3).

EVN phớt lờ kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước liên quan xử lý tài chính tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 5.

Đối với dự án xây dựng công trình Thủy điện Đồng Nai 5, ngày 18/5/2016, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm hơn 351 tỷ đồng vốn đầu tư dự án này và đề nghị đàm phán lại giá điện theo quyết toán vốn đầu tư dự án, nhưng đến thời điểm thanh tra, việc điều chỉnh giá điện vẫn chưa hoàn tất.

Điều đáng nói, Bộ Công Thương được nhận báo cáo kiểm toán nhưng chưa chỉ đạo EVN đàm phán lại giá mua điện, điều chỉnh hợp đồng mua bán điện.

Ngoài ra, EVN bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong giai đoạn 2011-2020 đã không hoàn thành việc đầu tư nguồn và lưới điện truyền tải theo nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đầu tư nguồn điện đạt 82,2% so với công suất được giao tại Quy hoạch, đáng chú ý là việc đầu tư lưới truyền tải chỉ đạt tỉ lệ thấp (cả về quy mô và số lượng); đường dây 200kV đạt 54%, trạm biến áp 500kV đạt 54%, trạm biến áp 200 kV đạt 64%…

Theo Thanh tra Chính phủ, việc đầu tư lưới điện truyền tải đạt kết quả thấp, nhiều dự án chậm tiến độ, không đáp ứng đủ năng lực truyền tải theo quy hoạch, nhất là việc giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời nối lưới đầu tư ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên; không hoàn thành việc đầu tư lưới truyền tải cũng là một trong những nguyên nhân của thực trạng quá tải cục bộ phải cắt giảm công suất phát điện của các nhà máy, ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện…

“Ngoài nguyên nhân khách quan trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án điện nguồn điện, lưới điện truyền tải, trách nhiệm thuộc về EVN, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các đơn vị thành viên có liên quan”, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/thanh-tra-chinh-phu-diem-mat-loat-du-an-evn-mua-dien-vuot-gia-tran-a8326.html