Tờ Global News (Canada) dẫn nguồn từ Reuters cho biết Cơ quan thương mại Liên Hợp Quốc nêu rằng thương mại toàn cầu sẽ giảm 5% vào năm 2023 so với năm ngoái. Cơ quan này cũng dự báo “bi quan” cho cả năm 2024.
Cụ thể, trong Cập nhật thương mại toàn cầu, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự kiến thương mại năm nay sẽ đạt khoảng 30,7 nghìn tỷ USD.
Theo cơ quan của Liên hợp quốc, thương mại hàng hóa dự kiến sẽ giảm gần 2.000 tỷ USD vào năm 2023, tương đương 8%, nhưng thương mại dịch vụ sẽ tăng khoảng 500 tỷ USD, tương đương 7%.
UNCTAD cho rằng sự sụt giảm này trong thương mại toàn cầu một phần là do hoạt động xuất khẩu của các nước đang phát triển kém hiệu quả.
UNCTAD cho biết: “Thương mại toàn cầu đã trải qua sự suy giảm trong suốt năm 2023, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi nhu cầu suy giảm ở các quốc gia phát triển, hoạt động kém hiệu quả ở các nền kinh tế Đông Á và giá hàng hóa giảm”.
Báo cáo nêu tiếp: “Những yếu tố này cùng nhau góp phần tạo ra sự thu hẹp đáng kể trong hoạt động thương mại hàng hóa”.
UNCTAD cho biết dự báo về thương mại toàn cầu vào năm 2024 vẫn “rất không chắc chắn và nhìn chung là bi quan”.
“Trong khi một số chỉ số kinh tế gợi ý về những cải thiện tiềm năng, căng thẳng địa chính trị dai dẳng, mức nợ cao và tình trạng bất ổn kinh tế lan rộng được dự đoán sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến mô hình thương mại toàn cầu”, báo cáo của cơ quan Liên hợp quốc nêu.
Căng thẳng địa chính trị, lạm phát... là những nguyên nhân tác động xấu đến kinh tế 2024
Trong báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hồi cuối tháng 11, tăng trưởng GDP ở Hoa Kỳ được dự đoán là 2,4% vào năm 2023, trước khi giảm xuống 1,5% vào năm 2024 và sau đó tăng nhẹ lên 1,7% vào năm 2025 do chính sách tiền tệ dự kiến sẽ nới lỏng.
Tại khu vực đồng euro, nơi bị ảnh hưởng tương đối nặng nề bởi bất ổn địa chính trị giữa Ukraine và Nga cùng cú sốc giá năng lượng, tăng trưởng GDP được dự đoán là 0,6% vào năm 2023, trước khi tăng lên 0,9% vào năm 2024 và 1,5% vào năm 2025.
Trung Quốc dự kiến tăng trưởng ở mức 5,2% trong năm nay, trước khi giảm xuống 4,7% vào năm 2024 và 4,2% vào năm 2025 do những căng thẳng đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản và tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình tiếp tục cao.
“Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng thấp và lạm phát tăng cao, với sự suy giảm nhẹ trong năm tới, chủ yếu là do chính sách tiền tệ thắt chặt cần thiết trong hai năm qua”, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann nêu trong một thông cáo báo chí.
Vị này nói tiếp: “Lạm phát đã giảm so với mức đỉnh năm ngoái. Chúng tôi kỳ vọng rằng lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tiêu của ngân hàng trung ương vào năm 2025 ở hầu hết các nền kinh tế”.
Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cho rằng: Về lâu dài, các dự báo của OECD cho thấy nợ chính phủ sẽ gia tăng đáng kể, một phần là do tốc độ tăng trưởng tiếp tục chậm lại.
“Cần có những nỗ lực mạnh mẽ hơn để xây dựng lại không gian tài chính, cũng bằng cách thúc đẩy tăng trưởng. Để đảm bảo tăng trưởng mạnh mẽ hơn, chúng ta cần tăng cường cạnh tranh, đầu tư và kỹ năng cũng như cải thiện hợp tác đa phương nhằm giải quyết các thách thức chung, như thúc đẩy dòng chảy thương mại toàn cầu và thực hiện hành động mang tính thay đổi về biến đổi khí hậu”, lãnh đạo OECD bình luận.
Báo cáo của tổ chức này nhấn mạnh đến hàng loạt căng thẳng địa chính trị - vẫn là nguyên nhân chính gây bất ổn và ngày càng gia tăng do xung đột ngày càng gia tăng sau các cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào Israel.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và sự suy giảm lâu dài về cường độ tăng trưởng thương mại, sự phục hồi theo chu kỳ được dự đoán trong tăng trưởng thương mại có thể không thành hiện thực.
Mặt khác, chi tiêu tiêu dùng mạnh hơn có thể thúc đẩy tăng trưởng nếu các hộ gia đình tận dụng nhiều hơn số tiền tiết kiệm tích lũy được kể từ đại dịch COVID-19, mặc dù điều này cũng có thể làm tăng lạm phát dai dẳng.
Báo cáo Triển vọng của OECD đưa ra một loạt khuyến nghị chính sách, nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục các chính sách nhằm giảm lạm phát, phục hồi thương mại toàn cầu và điều chỉnh chính sách tài khóa để đáp ứng những thách thức dài hạn.
Những tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ từ đầu năm 2022 ngày càng rõ rệt. Lãi suất chính sách dường như đang ở mức hoặc gần mức đỉnh ở hầu hết các nền kinh tế. Chính sách tiền tệ nên tiếp tục hạn chế cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy áp lực lạm phát được giảm bớt một cách lâu dài.
Theo OECD, dự kiến sẽ không có việc giảm lãi suất ở các nền kinh tế tiên tiến lớn cho đến tận năm 2024 và ở một số nền kinh tế thì không phải trước năm 2025. Có nhiều khả năng để giảm lãi suất ở nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi nhưng điều kiện tài chính toàn cầu sẽ hạn chế tốc độ mà những điều này có thể xảy ra.
“Các nền kinh tế cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng các thị trường vẫn mở để giúp dẫn đường cho quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số. Chính sách tài khóa cần chuẩn bị cho những thách thức chi tiêu dài hạn”, báo cáo có đoạn.
Nhà kinh tế trưởng Clare Lombardelli của OECD cho biết: “Các chính phủ thực sự cần bắt đầu đối mặt với những thách thức ngày càng tăng mà tài chính công phải đối mặt, đặc biệt là từ dân số già và biến đổi khí hậu”.
“Các chính phủ cần chi tiêu thông minh hơn và các nhà hoạch định chính sách cần phải kiềm chế áp lực tài chính hiện tại và tương lai, đồng thời duy trì đầu tư và xây dựng lại bộ đệm để ứng phó với những cú sốc trong tương lai”, Nhà kinh tế trưởng nói thêm.
Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/2024-kinh-te-toan-cau-duoc-du-bao-bang-2-cum-tu-mau-xam-a7133.html