Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 10, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Brazil đạt hơn 2,05 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng hơn 186 triệu USD). Kết quả trên cho thấy sự tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu có nhiều ảm đạm trong năm 2023.
Hết tháng 10, có 6 nhóm hàng xuất khẩu sang quốc gia Nam Mỹ này đạt kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên, tăng 1 nhóm so với cùng kỳ 2022. Đáng chú ý, sắt thép đang là mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, trong tháng 10/2023, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang Brazil đạt 17.039 tấn, tương đương 9,7 triệu USD. Trong khi đó, tháng 10/2022, Brazil chỉ nhập khẩu 48 tấn sắt thép với kim ngạch đạt hơn 90,3 nghìn USD. Như vậy, nhập khẩu sắt thép từ Việt Nam của Brazil trong tháng 10 tăng 35.398% về lượng và 10.667% về trị giá.
Giá xuất khẩu trong tháng 10 sang thị trường này đạt 571 USD/tấn, giảm mạnh 70% so với tháng 10/2022 và thấp hơn so với giá trung bình của toàn thị trường (748,5 USD/tấn).
Tính chung 10 tháng đầu năm, xuất khẩu sắt thép các loại sang Brazil đạt 266.952 tấn, trị giá hơn 176 triệu USD, tăng 558% về lượng và hơn 475% về giá trị, chiếm tỷ trọng 3,8% về lượng và 2,5% về kim ngạch trong tổng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam.
Theo hiệp hội ngành thép nước này, Aço Brasil, sản lượng thép của Brazil đã giảm 8,6% từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2023, xuống còn 18,6 triệu tấn. Là nhà sản xuất thép hàng đầu trên toàn cầu, Brazil chứng kiến sản lượng giảm 4,7% trong tháng 7 so với cùng tháng năm trước. Chính vì vậy, quốc gia này phải nhập khẩu lượng lớn sắt thép từ nước ngoài, chứng kiến mức tăng mạnh 78,5% trong cùng kỳ.
Sau gần 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt là từ khi thiết lập mối quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2007, mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Brazil đã và đang tiếp tục phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực.
Việt Nam và Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nhau tại khu vực Đông Nam Á và Nam Mỹ. Thị trường không quá khắt khe và thị hiếu người dân rất đa dạng. Nhiều mặt hàng của Việt Nam được tiếp nhận tại thị trường rất đông này.
Nhìn chung, trong bức tranh hai chiều về hàng hóa, Việt Nam luôn nhập siêu từ thị trường này. Cụ thể, nếu như năm 2013 Việt Nam nhập siêu 189 triệu USD hàng hóa từ Brazil, đến năm 2015 con số này đã lên mức 1 tỷ USD.
Sang năm 2016, cán cân thương mại giảm sự chênh lệch khi Việt Nam chỉ nhập siêu 390 triệu USD từ nước bạn. Đến năm 2020, kết quả này lại lên mức 1 tỷ USD và đạt mức nhập siêu cao nhất thập kỷ với 2,3 tỷ USD vào năm 2022.
Dư địa hợp tác phát triển giữa Việt Nam - Brazil còn rất lớn, do vậy các mặt hàng xuất khẩu hứa hẹn sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/mot-mat-hang-cua-viet-nam-cuc-dat-khach-tai-brazil-nhap-khau-tang-soc-hon-30000-nho-gia-sieu-re-a6671.html