Kích cầu du lịch quốc tế, đa dạng sản phẩm nội địa
Trở về từ chuyến đi quảng bá, kích cầu du kịch tại Mỹ trước đó, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM cho biết, du lịch Việt Nam - TP.HCM đã nỗ lực cung cấp thông tin về chính sách hỗ trợ, tổ chức các hoạt động thu hút đoàn khách MICE đến thành phố với những quyền lợi cụ thể.
Với vai trò là trung tâm kinh tế, Tp.HCM có thể là điểm đến đầu tiên vì từ đây du khách có thể đi đến tất cả các tỉnh, thành của Việt Nam cũng như các quốc gia khác. Năm 2023, mục tiêu của ngành du lịch Tp.HCM là đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế; 35 triệu lượt khách nội địa.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel phân tích: “Khách du lịch tới Tp.HCM chủ yếu là khách MICE (khách dự hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng); khách kết hợp công tác, tìm kiếm cơ hội đầu tư kết hợp du lịch… nên yếu tố kết nối liên vùng rất quan trọng. Khách đến Tp.HCM rồi sẽ tiếp tục đi các điểm đến khác như Hồ Tràm, Vũng Tàu, Phan Thiết để nghỉ dưỡng. Mới đây, một số tuyến cao tốc đi vào hoạt động như Dầu Giây - Phan Thiết góp phần tạo thuận lợi cho dòng khách này, nhưng vẫn chưa đủ nên cần đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng giao thông để hỗ trợ cho du lịch Tp.HCM”.
Muốn thu hút thêm nhiều khách MICE, nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, cần tăng tốc kết nối liên vùng với các địa phương khác, xây dựng những gói sản phẩm du lịch chung, cùng quảng bá để kéo khách đến Tp.HCM rồi lan tỏa ra các địa phương khác. Khi hạ tầng phát triển, doanh nghiệp sẽ xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp đáp ứng nhu cầu của khách.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông và marketing Công ty Du lịch TSTtourist, nhận định nếu trước dịch Covid-19, sản phẩm du lịch của Tp.HCM tập trung nhiều vào những sản phẩm truyền thống từ tham quan nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Hội trường Thống Nhất hay những tour tham quan Cần Giờ, Củ Chi... thì hiện nay, sản phẩm du lịch của thành phố đã có sự đầu tư nhiều hơn, xây dựng hoặc làm mới một loạt điểm đến.
“Sản phẩm du lịch của thành phố không thiếu và đang được xây dựng, cải tạo, làm mới đủ sức tạo nét riêng có, hấp dẫn cho khách du lịch trong nước và quốc tế. Câu chuyện hiện tại là cần phải đẩy mạnh chuỗi liên kết, hợp tác với các địa phương để thu hút khách du lịch tới cũng như tăng cường quảng bá đến những thị trường trọng điểm để kéo du khách quốc tế đến", ông Mẫn nói.
Hay ông Trần Quang Duy, Giám đốc Công ty Du lịch Chim Cánh Cụt, cho rằng cần nhiều hoạt động hơn, đa dạng hơn cho từng sản phẩm du lịch mới. Du lịch đường sông cũng là một sản phẩm có nhiều tiềm năng hấp dẫn du khách nhưng hiện tại đang phù hợp với khách quốc tế do yếu tố chi phí, giá tour còn cao. Do đó, để du lịch đường sông đến gần hơn với du khách, cần sự vào cuộc của các bên liên quan làm sao hạ giá tour nhưng vẫn bảo đảm sự trải nghiệm tốt nhất cho du khách.
Chiến lược cụ thể cho khách hàng mục tiêu
Để du lịch Tp.HCM phát triển mạnh mẽ hơn nữa, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần thúc đẩy tính liên vùng, kết nối các điểm đến với các chuỗi khu du lịch nghỉ dưỡng… tạo thành những gói sản phẩm tốt đi cùng quảng bá, kết nối. Quảng bá, xúc tiến thời điểm này để đón khách năm sau và những năm tới. Với từng thị trường, cần chiến lược quảng bá phù hợp, cụ thể.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tp.HCM, đề xuất chiến lược quảng bá điểm đến Tp.HCM nên hướng vào những thị trường gần, lân cận Tp.HCM và đang được khách quan tâm nhiều như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…
“Như khách Malaysia, Thái Lan rất thích mua sắm, Tp.HCM cần giải pháp nào để khai thác tối đa sở thích này, để khách chi tiêu nhiều hơn. Nhu cầu của du khách sau dịch Covid-19 đã thay đổi cùng với kinh tế khó khăn nên khách cũng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chuyển sang đi du lịch thị trường gần”, bà Khánh chỉ ra.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch HĐTV Công ty Lữ hành Saigontourist vẫn tiếc nuối khi Tp.HCM chưa tận dụng được hết được tiềm năng để thật sự trở thành điểm đến sáng giá về du lịch MICE của khu vực.
“Khách MICE luôn là dòng khách đầy tiềm năng và có tính ổn định cao. Họ đi số lượng đông, chi tiêu nhiều, là đối tượng sẽ suy giảm ít hơn, chậm hơn trong khủng hoảng. Ở nước ta, du lịch MICE cũng đang được thúc đẩy đầu tư nhưng chúng ta vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là Tp.HCM”, ông Yên chia sẻ.
Theo các doanh nghiệp, thị trường du lịch những tháng cuối năm khá tất bật và được đánh giá sẽ bùng nổ, nhất là vào thời điểm như Noel, tết Dương lịch, tết Nguyên đán... Để kích cầu du khách tham quan trải nghiệm, việc nghiên cứu làm mới sản phẩm, tạo ra các tour du lịch độc đáo là yếu tố rất cần thiết trong giai đoạn hiện tại.
Về phía doanh nghiệp, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty Lữ hành Vietluxtour cho biết, đơn vị đã chuẩn bị kế hoạch kinh doanh cuối năm khá sớm, từ cuối quý 2 năm 2023 để giữ vé, đảm bảo chất lượng dịch vụ, thời gian khởi hành thuận lợi và mức giá tốt.
Trong đó, doanh nghiệp này tập trung vào thị trường MICE tour (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện...) và tour lẻ outbound (du lịch nước ngoài) với kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng cuối năm nay ở các thị trường khoảng 20-25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Truyền thông Công ty Cổ phần Du lịch Việt cho biết, ngoài việc tăng cường các trải nghiệm tuyến du lịch mới và độc đáo, các chương trình du lịch được kết hợp với các đối tác vận chuyển, địa phương… nhằm giữ giá tốt, gia tăng ưu đãi và quyền lợi dành cho du khách. Từ đó, kích thích nhu cầu đăng ký sớm và giảm giá lớn.
Tương tự, ông Thi Quốc Duy, Giám đốc Trung tâm du lịch khách lẻ Công ty BenThanh Tourist cho biết, thị trường này đang có xu hướng tăng cao. Lượng khách có nhu cầu du lịch châu Âu của doanh nghiệp năm nay đã tăng gấp đôi so với năm 2022. Doanh nghiệp này kì vọng các nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm nắm bắt xu hướng thị trường sẽ tạo cơ hội để công ty phát triển mở rộng thị trường du lịch châu Âu.
Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/tphcm-but-pha-du-lich-dip-cuoi-nam-kich-cau-quoc-te-da-dang-noi-dia-a640.html