Thủ tướng: Khó khăn mà bất động sản vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi "một chiều" thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa?

Thủ tướng khẳng định, để tìm ra lời giải cho bài toán tín dụng, cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng phát triển, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Sáng 7/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. 

Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; lãnh đạo các bộ, ngành; chủ tịch, tổng giám đốc 38 ngân hàng thương mại, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các hiệp hội, ngành hàng, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản TPHCM.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hội nghị  có tinh thần như hội nghị "Diên Hồng" nhằm bàn việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế, khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. 

Thủ tướng chỉ rõ, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã đúc rút 5 bài học kinh nghiệm lớn, trong đó có có bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc và bài học nhân dân làm nên sự nghiệp cách mạng, nhân dân làm nên lịch sử. Ngân hàng cũng có lúc thuận lợi, có lợi nhuận, vậy thì lúc khó khăn phải chia sẻ với người dân, với doanh nghiệp.

Phân tích thêm, Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp bất động sản đang kêu khó tiếp cận vốn. Nhưng trong những năm qua, bất động sản tăng giá nói chung, nếu khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi "một chiều" thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa? Theo Thủ tướng, lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường. Lúc khó khăn phải có chính sách trên tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ" thì mới là phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy được sự phát triển.

Được biết, trước đó trong cuộc họp về "Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh" hồi tháng 11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng doanh nghiệp bất động sản cũng cần phải cân nhắc vấn đề giảm giá bán.

“Bản thân các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản cũng cần phải theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33, đó là phải quản trị doanh nghiệp tốt, cân đối giữa mục tiêu lợi nhuận, cơ cấu sản phẩm, cân nhắc về giảm giá bán…Khi đó, cùng với các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương sẽ khuyến khích được nhu cầu đầu tư của thị trường này”, Thống đốc khuyến nghị.

Đồng quan điểm, Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cũng từng phát biểu các doanh nghiệp bất động sản cũng cần nhìn lại và thay đổi chính mình, xem đã hoạt động lành mạnh, minh bạch thông tin chưa. VPBank là một trong những ngân hàng cho vay bất động sản nhiều nhất thị trường, nhưng đến giờ chính ngân hàng cũng thấy sợ  

Theo ông Vinh nếu trước đây, các doanh nghiệp bất động sản tích lũy được nhiều dự án trong giai đoạn huy động vốn dễ dàng, thì đến thời điểm khó khăn cần phải bán bớt tài sản, phải chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ một chút, phải phối hợp với ngân hàng để trả nợ chứ không thể ngồi im chờ ngân hàng hỗ trợ, gia hạn…

"Các doanh nghiệp bất động sản cũng phải thấy rằng tình hình đã khác rồi. Mỗi doanh nghiệp nắm cùng lúc 30 - 40 dự án mà cứ ngồi giữ, chỉ mong ngân hàng hỗ trợ thì ngân hàng hỗ trợ sao được", ông Vinh nêu ý kiến.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy giá chung cư cuối năm 2023 đang ở mức rất cao. Tại Hà Nội, trên thị trường sơ cấp, mức giá bán trung bình của các căn hộ mở bán mới đạt khoảng 50,8 triệu đồng/m2, tăng gần 7% theo quý (khoảng 3,6 triệu đồng/m2), 14% theo năm (khoảng 7 triệu đồng/m2). Trên thị trường thứ cấp, giá bán trung bình đạt khoảng 32 triệu đồng/m2, tăng 2,7% (khoảng 800.000 đồng/m2) theo quý và 0,8% (250.000 đồng/m2) theo năm.

Thống kê mới đây của Savills cũng cho thấy, giá căn hộ chung cư đã tăng 18 quý liên tiếp. Nếu chỉ 5 năm trước, căn hộ có giá 30-40 triệu đồng/m2 đã là phân khúc cao cấp thì hiện nay các căn hộ chung cư cao cấp giá đã đẩy lên 50-70 triệu đồng/m2. Nguồn cung căn hộ có giá dưới 30 triệu đồng/m2 đang dần biến mất trên thị trường và không còn loại hình căn hộ dưới 20 triệu đồng/m2.

Ông Lê Bảo Long - Giám đốc Chiến lược của Batdongsan.com.vn nhận định, việc mua chung cư đang ngày càng khó đối với người dân khi tốc độ tăng thu nhập không bắt kịp tốc độ tăng giá nhà. Trong tương lai, các dự án chung cư sơ cấp cũng sẽ có mặt bằng giá cao khi các chi phí bị đẩy lên.

Không chỉ phân khúc căn hộ chung cư, giá bất động sản thấp thầng đặc biệt là biệt thự, liền kề tại các khu đô thị cũng đã bị đẩy lên mặt bằng giá mới cao 1,5-2 lần so với cách đây 3 năm. Giao dịch trầm lắng tuy nhiên giá mở bán sơ cấp các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, đất khu đô thị tại các tỉnh, đô thị lớn vẫn tiếp tục tăng dần qua các quý.

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/thu-tuong-kho-khan-ma-bat-dong-san-van-muon-giu-gia-ban-nhu-cu-van-doi-hoi-mot-chieu-thi-lieu-da-co-trach-nhiem-chung-chua-a5946.html