Hà Nội đề xuất xây dựng công viên rừng trên đất di dời nhà máy

Hà Nội đề xuất một số mô hình công viên xanh, công viên rừng trên diện tích đất di dời các trường học, nhà máy, kết hợp đồng bộ với chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật xung quanh, hình thành các không gian đi bộ xanh.

UBND thành phố Hà Nội vừa có Kế hoạch 287 thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025.

Trong phát triển du lịch giai đoạn này, UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch , các đơn vị liên quan đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược xây dựng, đầu tư, phát triển các cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn cao cấp 4-5 sao tại các khu vực đô thị, khu vực có tiềm năng lớn về du lịch; thu hút nhà đầu tư phát triển các trung tâm tổ chức sự kiện, cung triển lãm, tổ hợp thể thao thực sự chuyên nghiệp, quy mô, tầm cỡ, có kiến trúc độc đáo, là điểm nhấn đặc sắc của thành phố.

Hà Nội đề xuất xây dựng công viên rừng trên đất di dời nhà máy - Ảnh 1.

Một góc công viên

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố về tiêu chí để xây dựng mô hình Outlet , trung tâm mua sắm trên địa bàn thành phố; nghiên cứu quy hoạch, lựa chọn quỹ đất phù hợp, thu hút nhà đầu tư phát triển 1-2 mô hình Outlet tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế về du lịch, đầu mối giao thông của thành phố. Phấn đấu xây dựng phát triển trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội (bảo đảm ít nhất 1 trung tâm/huyện).

UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với Sở Du lịch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị liên quan nghiên cứu quy hoạch, lựa chọn, bố trí các vị trí có quỹ đất thích hợp, tiềm năng để phát triển cơ sở lưu trú du lịch cao cấp 4-5 sao, các khu vui chơi giải trí tầm cỡ, tổ hợp vui chơi giải trí đa năng, nhà hát lớn, công viên chuyên đề, công viên bảo tàng thiên nhiên, không gian quảng trường đáp ứng quy mô các sự kiện mang tầm vóc quốc gia , khu vực, quốc tế... tại các quận, huyện, thị xã: Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sơn Tây, Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Quốc Oai...

UBND thành phố cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đầu tư nguồn lực, cải tạo hệ thống các khu công viên, vườn hoa theo hướng không gian mở, phát triển theo các không gian chuyên đề, ưu tiên vào 3 công viên: Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ ; đầu tư, hình thành một số mô hình công viên xanh, công viên rừng trên diện tích đất di dời các trường học, nhà máy, kết hợp đồng bộ với chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật xung quanh, hình thành các không gian đi bộ xanh.

Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm triển khai Đề án phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế ban đêm trên địa bàn quận phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn; phối hợp với UBND quận Tây Hồ nghiên cứu, triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị khu vực hồ Tây và vùng phụ cận; phối hợp với UBND các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức... xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại các xã miền núi, gắn với phát triển các sản phẩm, tour du lịch trải nghiệm văn hóa đặc sắc, hấp dẫn.

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/ha-noi-de-xuat-xay-dung-cong-vien-rung-tren-dat-di-doi-nha-may-a5795.html