Lợi nhuận một 'ông lớn' thấp nhất 6 quý, tiếp tục cắt giảm nhân sự: Sức ép ngày càng lớn từ taxi điện?

Sự tham gia của taxi điện không chỉ tạo thêm lựa chọn mới cho người tiêu dùng mà còn khiến thị trường thêm sức ép dù vốn đã cạnh tranh khốc liệt.

Lợi nhuận một 'ông lớn' thấp nhất 6 quý, tiếp tục cắt giảm nhân sự: Sức ép ngày càng lớn từ taxi điện? - Ảnh 1.

'Sức nóng' từ taxi điện

"Sức nóng" từ các hãng taxi công nghệ trên thị trường, đặc biệt là taxi điện buộc các hãng taxi truyền thống phải thay đổi. Điều này khiến lợi nhuận của một 'ông lớn' giảm sút.

Mới đây, CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023 với doanh thu 312 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu các mảng đều ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ, trong đó mảng dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi giảm hơn 9% xuống còn 266 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế Vinasun cũng ghi nhận gần 33 tỷ đồng, giảm 46% so với mức thực hiện trong cùng kỳ năm trước. Đây là quý thứ 2 liên tiếp Vinasun tăng trưởng âm sau chuỗi 5 quý tăng trưởng liên tiếp hậu đại dịch và là mức lãi thấp nhất trong 6 quý gần nhất.

Số lượng nhân sự của Vinasun sau 9 tháng đầu năm 2023 là 1.934 người, giảm 79 người so với thời điểm cuối năm 2022. Nguyên nhân của đợt cắt giảm kéo dài 5 năm là do áp lực cạnh tranh từ các hãng taxi công nghệ. 

Lợi nhuận một 'ông lớn' thấp nhất 6 quý, tiếp tục cắt giảm nhân sự: Sức ép ngày càng lớn từ taxi điện? - Ảnh 2.

Để hạ thấp chi phí và tìm cách tồn tại, Vinasun đã phải cắt giảm lái xe để chuyển sang mô hình hợp tác kinh doanh thương quyền, thay vì phân chia phí taxi. Thêm vào đó là chính sách hỗ trợ cho tài xế và đối tác lái xe cũng dẫn đến kết quả lợi nhuận kém khả quan.

Áp lực từ xe điện là khá lớn nhưng với sự phát triển của thị trường cùng đặc điểm đường phố, thói quen vẫy xe trực tiếp của người dùng Việt Nam, mảnh đất cho các hãng taxi truyền thống vẫn còn. Cùng với việc đầu tư công nghệ, khoảng cách giữa taxi truyền thống và các hãng gọi xe hoạt động như taxi ngày càng thu hẹp.

Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Công ty Tài chính Toyota và Công ty CP Tập đoàn Mai Linh đã ký kết hợp tác chiến lược. Theo đó, hãng taxi Mai Linh sẽ mua 10.000 ô tô Toyota để đưa vào hoạt động trong vòng 5 năm tới. Trong khi đó, hãng taxi Vinasun vừa đầu tư khoảng 1.000 xe nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Ông Tạ Long Hỷ, Tổng Giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam, cho rằng mỗi loại hình dịch vụ đều có lợi thế riêng. Trong đó, lợi thế của taxi truyền thống sử dụng xe chạy xăng là giá cước ổn định, số lượng xe lớn nên có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu khách hàng, chạy được đường dài mà không lo hết pin...

Tuy nhiên, hãng taxi truyền thống sẽ phải liên tục đầu tư xe mới, cải tiến công nghệ để đủ sức cạnh tranh trên thị trường vốn đang chia sẻ bởi nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ và sự ra đời của các hãng taxi mới.

Xu hướng taxi xanh

Theo báo cáo Thị trường Taxi Việt Nam của công ty tư vấn Mondor Intelligence, thị trường taxi Việt Nam được định giá 410 triệu USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 790 triệu USD vào năm 2027, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 10,25% trong giai đoạn này.

Thị trường taxi trong nước chứng kiến sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp với dịch vụ gọi xe Grab, taxi VinaTaxi, Vinasun Taxi và Mai Linh Group,... Và sự xuất hiện của GSM - Taxi Xanh SM từ tháng 3/2023 đã khiến cục diện bức tranh thị trường có nhiều thay đổi.

Lợi nhuận một 'ông lớn' thấp nhất 6 quý, tiếp tục cắt giảm nhân sự: Sức ép ngày càng lớn từ taxi điện? - Ảnh 3.

Hãng taxi điện của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã có mặt tại các thành phố lớn, khu du lịch với 2.500 chiếc chỉ sau 5 tháng hoạt động, tương đương số lượng xe của các hãng taxi lớn đã có mặt trên thị trường hàng chục năm qua.

Nhiều hãng vận tải khác như Sun Taxi, Lado Taxi... thời gian qua cũng liên tục đầu tư mạnh mua xe điện để thay thế dần xe xăng với mục đích tăng thêm trải nghiệm cho khách hàng và bắt kịp xu thế. Các hãng này cho biết đã nhận được phản hồi khá tích cực từ phía khách hàng nhờ giá cước không quá cao, không phải trả thêm phụ phí như các ứng dụng gọi xe công nghệ,...

Không chỉ xuất hiện trong nước, đơn vị này còn có kế hoạch chinh phục các thị trường nước ngoài, sớm nhất sẽ là Lào và Campuchia.

Việt Nam cũng như toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ là thị trường tăng trưởng nóng của taxi điện, do tốc độ đô thị hóa cao, mật độ dân số tại các đô thị lớn. Theo ghi nhận của Mordor Intelligence, BYD – hãng xe điện thống trị thị trường Trung Quốc đã bán 60% ô tô chạy điện thuần túy cho giao thông công cộng.

Tương tự, ở Ấn Độ, chính phủ đang thúc đẩy các nhà khai thác đội xe lớn như Ola, Uber, v.v. mở rộng đội xe điện của họ và chuyển 40% phương tiện của họ sang chạy điện vào cuối năm 2026. Các quan chức của Niti Aayog và các bộ giao thông đường bộ, điện lực , năng lượng tái tạo và thép, cũng như các bộ công nghiệp nặng và thương mại, nằm trong số những cơ quan khuyến nghị các nhà khai thác taxi ở Ấn Độ dần dần chuyển đổi sang sử dụng điện ở Ấn Độ.

Trong hai năm tới, chính quyền thành phố Bắc Kinh đang lên kế hoạch thay thế tất cả taxi chạy bằng xăng bằng ô tô điện, điều này sẽ cần 20.000 xe điện mới trong hai năm tới và BAIC sẽ cung cấp đội xe taxi điện này cho chính quyền thành phố Bắc Kinh.

Điều này cho thấy xu hướng taxi điện đang ngày càng phủ sóng từ quốc tế cho đến Việt Nam.

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/loi-nhuan-mot-ong-lon-thap-nhat-6-quy-tiep-tuc-cat-giam-nhan-su-suc-ep-ngay-cang-lon-tu-taxi-dien-a466.html