Siết chặt quản lý doanh nghiệp vận tải lạm dụng xe buýt quá tuổi

Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân bị xử phạt vì liên tục sử dụng xe buýt có niên hạn trên 10 năm để chở khách.

 Xe buýt Hải Vân vi phạm quy định vận tải 

Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội, vừa qua đơn vị này đã ban hành quyết định xử phạt Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân với số tiền 12 triệu đồng. Nguyên nhân là do trong tháng 6/2024, Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân đã vi phạm sử dụng xe buýt số 74 (tuyến bến xe Mỹ Đình - Xuân Khanh) có niên hạn trên 10 năm để vận chuyển khách tới 60 lần.

Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân đang vận hành hai tuyến buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội, gồm tuyến số 43 và 74. Tuyến 74 có điểm đầu tại bến xe Mỹ Đình và kết thúc tại Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây. 

Tuyến này có 25 xe sử dụng nhiên liệu diesel và đảm bảo đủ điều kiện vận tải hành khách, trong đó có hai xe niên hạn sản xuất năm 2013 (11 năm).

Siết chặt quản lý doanh nghiệp vận tải lạm dụng xe buýt quá tuổi- Ảnh 1.

Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân đã vi phạm sử dụng xe buýt số 74 (tuyến bến xe Mỹ Đình - Xuân Khanh) có niên hạn trên 10 năm để vận chuyển khách tới 60 lần.

Theo quy định tại Nghị định 47/2022/NĐ-CP, ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt có niên hạn sử dụng không quá 20 năm (tính từ năm sản xuất). Tuy nhiên, hợp đồng giữa các bên quy định niên hạn sử dụng của xe buýt ở Hà Nội là không quá 10 năm. 

Do đó, với hai xe này, Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân sẽ bị phạt 200.000 đồng/ngày ngay cả khi không hoạt động.

Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội cho biết, việc xử phạt nhằm đảm bảo hoạt động vận tải hành khách an toàn, đúng quy định. Quyết định này cũng là cảnh báo cho các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố cần tuân thủ các quy định về niên hạn sử dụng xe buýt.

 Siết chặt xử lý doanh nghiệp kinh doanh vận tải sử dụng xe quá niên hạn 

Việc các hãng vận tải sử dụng xe quá niên hạn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới mất an toàn giao thông. Trước tình trạng này, Thủ tướng đã ra chỉ thị về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới, trong đó có sử dụng xe quá niên hạn.

Trong các yêu cầu đối với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Thủ tướng lưu ý cần siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô; tăng cường kiểm soát với hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, đồng thời kiểm tra, phát hiện, xử lý, chấn chỉnh những hành vi vi phạm ngay tại các điểm xuất phát (bến bãi, nhà ga, bến xe, đầu nguồn hàng, mỏ vật liệu).

Đặc biệt, xử lý nghiêm trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải khi để xe quá niên hạn sử dụng, hết hạn kiểm định xuất bến, chở quá số người quy định, quá tải trọng xe, xe hợp đồng và du lịch hoạt động trá hình. Quản lý chặt chẽ và kiên quyết thu hồi giấy phép, phù hiệu vận tải đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật...

Bộ GTVT còn được yêu cầu thường xuyên theo dõi các địa phương trong việc thu hồi phù hiệu, giấy phép vận tải với những tổ chức, cá nhân vi phạm giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng.

Siết chặt quản lý doanh nghiệp vận tải lạm dụng xe buýt quá tuổi- Ảnh 2.

Thủ tướng còn yêu cầu Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ GTVT nghiên cứu về hướng tăng nặng mức phạt, hình thức xử phạt với nhóm các hành vi do lỗi cố ý, vi phạm nhiều lần.

Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử quản lý vận tải, thực hiện chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành liên quan. Song song, hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và ứng dụng VnelD, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải mang theo nhiều giấy tờ khi tham gia giao thông.

Bộ yêu cầu người dân tích cực phối hợp, hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc xử lý vi phạm, tước, thu hồi giấy phép lái xe trên môi trường điện tử theo đúng quy định.

Ngoài ra, Thủ tướng còn yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất sửa đổi những quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng mức phạt, hình thức xử phạt với nhóm các hành vi do lỗi cố ý, vi phạm nhiều lần trong khoảng thời gian nhất định khi hoạt động kinh doanh vận tải.

Cùng với đó, nghiên cứu nâng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ phù hợp với tình hình thực tiễn (mức 2 năm).

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/siet-chat-quan-ly-doanh-nghiep-van-tai-lam-dung-xe-buyt-qua-tuoi-a35301.html