Công ty tài chính vẫn đau đầu vì người vay không trả nợ

Không ít người đã tham gia các hội nhóm "bùng nợ" trên mạng xã hội, chia sẻ cách thức hướng dẫn trốn nợ, bùng nợ… sau khi vay tiền từ công ty tài chính, ngân hàng

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trên nhiều hội, nhóm mạng xã hội, các nhóm "chuyên tư vấn, bùng nợ, xóa nợ" có hàng chục ngàn thành viên thường xuyên có người dùng chia sẻ vay tiền qua công ty tài chính, qua app (ứng dụng) cho vay, vay qua thẻ tín dụng ngân hàng…

"Mình nợ thẻ tín dụng có 4 ngân hàng, tổng cộng gần 90 triệu đồng nhưng vì nghỉ làm, từ cuối năm 2022 đến nay chưa trả được nợ. Mấy ngày nay có công ty đòi nợ liên hệ yêu cầu trả nợ, và gửi giấy báo nợ về địa phương" - một tài khoản ẩn danh trên nhóm "Chuyên tư vấn bùng nợ" với gần 22.000 thành viên chia sẻ.

Công ty tài chính vẫn đau đầu vì người vay không trả nợ- Ảnh 1.

Một số thành viên khác đăng các thông báo đòi nợ, giấy báo nợ của công ty tài chính, ngân hàng gửi sau khi họ vay mà không trả, để hỏi "nếu bùng nợ thì có ảnh hưởng gì không?"…

Xu hướng "rủ nhau bùng nợ" xuất hiện từ năm 2023 đến nay. Nhiều công ty tài chính, ngân hàng hiện vẫn đau đầu vì vấn nạn này.

Trên các hội, nhóm mỗi ngày có nhiều bài đăng với các nội dung hỏi cách "bùng nợ", chiêu "quỵt nợ" các app cho vay, công ty tài chính hay thẻ tín dụng ngân hàng…

Công ty tài chính vẫn đau đầu vì người vay không trả nợ- Ảnh 2.

Nạn "vay mà không trả" vẫn còn khá phổ biến hiện nay

Một số thành viên còn đăng công khai rao bán các dịch vụ "bùng nợ" với nhiều mức giá khác nhau nhưng mức độ tin cậy thì không kiểm chứng được.

Tại hội thảo chủ đề "Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi "tín dụng đen", do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết gần đây xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội để tổ chức hội nhóm với mục đích truyền bá, hướng dẫn nhau cách không trả nợ, thực hiện hành vi lừa đảo, các công ty mạo danh...

Từ đó, ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng và sự phát triển lành mạnh của thị trường tín dụng tiêu dùng.

Công ty tài chính Fe Credit cho biết đang đối mặt một vấn đề nan giải chung trong quá trình hoạt động, là hoạt động "bùng nợ" có tổ chức từ một số khách hàng. Nếu ở giai đoạn trước, nhân viên thu hồi nợ ở các công ty tài chính đối mặt áp lực, ảnh hưởng tâm lý từ việc đe dọa ngược của khách hàng thì hiện tại, tình trạng này đã có những chuyển biến mới.

"Một bộ phận khách hàng cố tình đánh đồng hoạt động thu hồi nợ hợp pháp của các công ty tài chính chính thống là hoạt động phạm pháp để tẩy chay, chây ỳ trả nợ. Các đối tượng còn lôi kéo nhiều người tham gia vào các hội nhóm "bùng nợ" trên mạng xã hội. Chia sẻ cách thức "hướng dẫn trốn nợ, bùng nợ khi vay tiền" để đối phó với nhân viên thu hồi nợ và trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ thanh toán nợ" - đại diện Fe Credit dẫn chứng.

Theo các chuyên gia tài chính, việc khách vay trốn tránh trách nhiệm thanh toán các khoản vay ảnh hưởng tới lịch sử tín dụng. Nếu bị nợ xấu sẽ không thể tiếp tục vay hoặc phải đối mặt rủi ro pháp lý, như có thể bị công ty tài chính, ngân hàng khởi kiện… 

Hạn chế "vay mà không trả" cách nào?ĐỌC NGAY

Thực tế, một số công ty tài chính, ngân hàng thương mại cho biết đã tiến hành khởi kiện đối với những khách hàng cố tình trốn tránh hay chây ỳ trả nợ trong thời gian dài.

Trong giai đoạn 2022 - 2023, Fe Credit cho biết đã nộp đơn khởi kiện hơn 1.000 khách hàng. Fe Credit vẫn kiên định với lộ trình khởi kiện các khách hàng không có thiện chí hay cố tình trốn tránh trách nhiệm thanh toán nợ.

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/cong-ty-tai-chinh-van-dau-dau-vi-nguoi-vay-khong-tra-no-a35247.html