Lãi suất tiết kiệm tăng, tiền nhàn rỗi sẽ đổ vào kênh ngân hàng?

Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm gia tăng khi tín dụng cải thiện mạnh trong tháng 6, bất động sản được dự báo ấm lên trong nửa cuối năm nay. Các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động, chuẩn bị thanh khoản đáp ứng cầu tín dụng.

Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm vẫn tiếp tục lan rộng. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 7, có đến gần 20 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, bao gồm: NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank, MB, BVBank, KienLong Bank, VPBank, PVCombank, PGBank, Sacombank, BIDV và ABBank, VietBank,… Đáng chú ý, nhiều nhà băng còn điều chỉnh lãi suất tăng 2-3 lần chỉ trong một tháng.

Trước đó, chỉ tính riêng tháng 6, thị trường ghi nhận 23 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động.

Sau khi điều chỉnh, đến thời điểm hiện tại, mức lãi suất với khoản tiền gửi thông thường ghi nhận tại biểu lãi suất của ngân hàng ABBank ở kỳ hạn 12 tháng, khi niêm yết ở mức 6,2%/năm. Ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất ngân hàng cao nhất là 6,1% của NCB và OceanBank. Ở kỳ hạn 18 tháng, HDBank niêm yết lãi suất tiết kiệm ở mức 6%/năm.

Theo giới phân tích tài chính, tăng trưởng tín dụng gần đây khởi sắc trở lại, các ngân hàng cho vay nhiều hơn nên cần nguồn tiền. Đáng chú ý, trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất thấp nên các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng đã hút một lượng tiền nhàn rỗi trên thị trường.

Do đó, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất để giữ chân khách hàng gửi tiết kiệm. Một lý do khác là nền kinh tế hiện khởi sắc nên các ngân hàng cũng cần chuẩn bị nguồn vốn cho thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào thời điểm cuối năm.

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm tăng liệu có trở thành động lực khiến dòng tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng? Theo số liệu mà NHNN đưa ra mới đây nhất, tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế đến tháng 6/2024 ước đạt 13,575 triệu tỷ đồng, tăng 1,5% so với cuối năm 2023.

Theo các chuyên gia cho rằng, lãi suất tiết kiệm tăng là động lực khiến tiền chảy vào ngân hàng trong bối cảnh cảnh các kênh đầu tư (chứng khoán, bất động sản…) chưa hồi phục rõ nét.

Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm hiện không phải là kênh đầu tư hấp dẫn về lợi nhuận mà chủ yếu là kênh đầu tư có mức độ an toàn tốt. Nhiều đơn vị nghiên cứu nhận định, lãi suất tiết kiệm sẽ không có sự tăng đột biến từ nay đến cuối năm.

Trong báo cáo "Vietnam at a glance" mới nhất, HSBC cũng giữ nguyên quan điểm về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất chính sách ổn định ở 4,5% trong năm nay bất chấp những quan ngại chưa dứt về ngoại hối có thể khiến Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất. Tuy nhiên, tăng lãi suất không nằm trong viễn cảnh dự báo của HSBC...

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, về các kênh đầu tư hiện nay, ông vẫn đánh giá cao biên độ lợi nhuận của bất động sản. Dù kênh đầu tư này đang gặp khó khăn, nhưng với việc khai thông pháp lý kể từ 1/8, bất động sản sẽ phục hồi nhanh trở lại.

Đối với vàng, ông Nghĩa dự báo kênh đầu tư này sẽ còn tăng giá do nguồn cung có hạn.

Với kênh đầu tư tiền gửi, ông Nghĩa cho rằng, lãi suất tăng sẽ không đáng kể và chỉ thu hút dòng tiền bởi đặc tính an toàn.

 

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/lai-suat-tiet-kiem-tang-tien-nhan-roi-se-do-vao-kenh-ngan-hang-a35224.html