Giám đốc Chiến lược SSI gọi tên nhóm cổ phiếu tăng trưởng tốt, dự kiến "hút tiền" cuối năm

"Thị trường cổ phiếu Việt Nam là một trong những thị trường sôi động nhất khu vực Đông Nam Á", đây là nhận định của đại diện UBCKNN tại tọa đàm do Báo Đầu tư tổ chức sáng 23/7/2024.

Thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường sôi nổi nhất khu vực

Tại Tọa đàm "Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới" do Báo Đầu tư tổ chức sáng 23/7/2024, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự trưởng thành vượt bậc sau chặng đường 24 năm đã đi qua.

Trước tiên, chỉ từ 2 cổ phiếu ban đầu hiện nay con số này đã tăng lên 1.800 cổ phiếu niêm yết và đăng ký giao dịch. Quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đạt gần 70% GDP, ước tính 300 tỷ USD, đứng thứ 30-35 trên thị trường thế giới.

Tiếp theo, thanh khoản giao dịch quanh ngưỡng gần 1 tỷ USD (không kể đến thị trường trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp) giúp thị trường cổ phiếu Việt Nam là một trong những thị trường sôi động nhất khu vực Đông Nam Á.

photo-1721745264859

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch UBCKNN

Trong 24 năm qua, TTCK đã tạo ra giá trị rất lớn đối với nền kinh tế, nhất là về công tác cổ phần hóa. Sự ra đời của TTCK đã thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả của DN nhà nước. Nếu nhìn trên thị trường, trong số khoảng 1.800 doanh nghiệp đang niêm yết và đăng ký giao dịch có đến gần một nửa là các DN có nguồn gốc cổ phần hóa. Với thị trường chứng khoán, đã có rất nhiều DN nhà nước mở rộng sản xuất, kinh doanh và đem lại rất nhiều giá trị cho nhà đầu tư và nhà nước. 

Cũng theo đại diện UBCKNN, khi xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán tới năm 2030, thường phải đặt ra những mục tiêu khá tham vọng và không dễ đạt được. "Dù thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển, thế nhưng nếu không có sự cố gắng của các cơ quan quản lý tới các thành viên thị trường, các mục tiêu đề ra sẽ khó lòng chạm tới", ông Hải cho hay. 

Sau cùng, Phó Chủ tịch UBCKNN cũng bày tỏ niềm tin vững chắc rằng các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có thể hoàn thành khi các chính sách nâng hạng, chính sách rà soát lại quy định pháp lý đảm bảo việc tham gia thị trường ngày càng thuận lợi hơn cho cả nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp. 

Cổ phiếu nào hấp dẫn để đầu tư?

Cũng xuất hiện tại buổi trao đổi, bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc Chiến lược Chứng khoán SSI chia sẻ nhà đầu tư nước ngoài đánh giá thị trường Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất lớn nhờ dân số trẻ, GDP tăng trưởng cao nhất so với các thị trường láng giềng.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những hạn chế như thị trường phải ký quỹ 100% trước khi giao dịch, điều này dẫn đến rất nhiều khó khăn cho các NĐT nước ngoài. Ngoài ra, tỷ lệ room nước ngoài chưa cao cũng là một rào cản cho các NĐT nước ngoài.

Theo bà Lệ Hằng, thị trường không có nhiều lựa chọn mới trong nhiều năm vừa qua, điển hình như rổ VN30 chưa có thêm doanh nghiệp nào mới. Điều này dẫn đến việc, NĐT nước ngoài dù muốn phân bổ nhiều vào thị trường Việt Nam họ sẽ phải chờ, bên cạnh việc chờ được nới room để có nhiều thanh khoản hơn.

Bàn về chiến lược đầu tư, bà Lê Thị Lệ Hằng đánh giá Việt Nam đang được hưởng lợi rất nhiều từ làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Đồng thời, việc nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ sẽ giúp các doanh nghiệp công nghệ học hỏi kĩ năng cũng như mở rộng quy mô ra thế giới. Theo bà Lệ Hằng, các công ty chuyên về công nghệ ở Việt Nam hiện đang có khá ít, song đa phần đều có sự tăng trưởng tốt trong thời gian qua.

photo-1721745309183

Bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc Chiến lược Chứng khoán SSI

Thêm nữa, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ dân số trẻ cao, do đó tiêu dùng nội địa vẫn sẽ là yếu tố quan trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP trong thời gian tới. Nhờ vậy, các doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

Một nhóm ngành khác dự báo tăng trưởng được bà Hằng nhắc tới là đầu tư công. "Dòng vốn FDI vẫn chảy mạnh vào Việt Nam, việc hoàn thiện hơn cơ sở hạ tầng là rất quan trọng. Do vậy, Việt Nam sẽ cần chi khá nhiều cho đầu tư công. Mặc dù Chính phủ đã kêu gọi giải ngân rất nhiêu, tuy nhiên tỷ lệ thực hiện vẫn chưa được đúng như theo kỳ vọng. Điều này cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các ngành liên quan và ngành vật liệu xây dựng theo đó sẽ có cơ hội", chuyên gia SSI nhận định.

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/giam-doc-chien-luoc-ssi-goi-ten-nhom-co-phieu-tang-truong-tot-du-kien-hut-tien-cuoi-nam-a34796.html