Cơ hội lớn để du lịch Đà Nẵng bứt phá
Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng vừa được thông qua. Ông đánh giá như thế nào về tác động của cơ chế đặc thù tới sự phát triển của du lịch Đà Nẵng?
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, khi du lịch phát triển sẽ lan tỏa tới các ngành nghề kinh tế khác trong xã hội. Do đó việc có được những chính sách phù hợp sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Quay lại với câu chuyện của Đà Nẵng, chúng tôi cho rằng, cơ chế đặc thù là cơ hội để du lịch Đà Nẵng bứt phá. Thực tế, Đà Nẵng đã được xác định là một trung tâm du lịch mang tầm quốc gia từ những năm 1995 khi mà chúng tôi xây dựng quy hoạch và chiến lược đầu tiên cho phát triển du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, trong rất nhiều năm, Đà Nẵng chỉ mới thực hiện được vai trò là "cửa đến", nghĩa là cửa ngõ của quốc gia ở khu vực miền Trung, chứ chưa trở thành một điểm đến theo đúng nghĩa.
Có nhiều nguyên nhân của câu chuyện này nhưng đáng kể nhất là vấn đề chính sách. Bởi vậy, việc thí điểm chính sách đặc thù cho Đà Nẵng, trong đó có khu thương mại tự do là điều kiện rất tốt để cho Đà Nẵng phát triển đúng với vị thế của mình, để thực sự trở thành một điểm đến.
Nhìn lại du lịch Đà Nẵng, ông đánh giá thành phố sông Hàn đang sở hữu thế mạnh, tiềm lực ra sao để đón vận hội mới từ tác động của cơ chế đặc thù và khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam?
Đà Nẵng hội tụ đủ những yếu tố để tạo thành một "thỏi nam châm" hút khách du lịch: cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những công trình du lịch biểu tượng, con người ôn hòa, ẩm thực đặc sắc, mức sống phù hợp, hạ tầng giao thông thuận lợi.
PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, Thành viên Tổ chuyên gia Tư vấn Quy hoạch Quốc gia
Những năm gần đây, Đà Nẵng đã thu hút được những tập đoàn lớn ở Việt Nam, đặc biệt là Sun Group, đồng hành tạo nên hình ảnh, diện mạo hoàn toàn mới. Trong đó, có những hạ tầng đẳng cấp, sản phẩm ấn tượng như Bà Nà Hill - một khu du lịch, tổ hợp vui chơi giải trí hàng đầu Việt Nam và tầm cỡ trong khu vực hay sự kiện lễ hội pháo hoa quốc tế DIFF đã trở thành thương hiệu suốt 12 năm liên tục.
Gần đây, Đà Nẵng được bổ sung nhiều sản phẩm mới như các show diễn nghệ thuật, phố đi bộ, chợ đêm… tuy nhiên, ở một góc độ khác thì Đà Nẵng còn có tiềm năng to lớn để phát triển những tổ hợp kinh tế đêm, gắn với vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm... mà nếu không có cơ chế phù hợp thì rất khó thành công.
Do vậy, câu chuyện Đà Nẵng được xây dựng khu thương mại tự do là yếu tố cực kỳ quan trọng mà ngay cả Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mơ ước cũng chưa có. Chúng tôi cho rằng, khu thương mại tự do nên có phân khu chức năng gắn liền với tổ hợp về vui chơi giải trí, ẩm thực và mua sắm bởi vì chính ở khu thương mại tự do này, sẽ có những chính sách hết sức khác biệt. Đơn cử như về vui chơi giải trí, ở khu vực này hoàn toàn có thể phát triển casino - loại hình chúng tôi cũng đã kiến nghị từ rất lâu, vô cùng phổ biến trên thế giới nhưng lại đang bị quan niệm là cờ bạc. Rất nhiều hình thức cờ bạc không quản lý được, ngược lại casino nếu quản lý tốt thì đây là một hình thức vui chơi giải trí mang lại sự bứt phá cho du lịch.
Singapore cách đây 15 năm cũng có tư duy giống như chúng ta hiện nay nhưng sau đó họ thay đổi và lựa chọn casino, thực hiện quản lý tốt và biến thành cơ hội thu hút khách du lịch. Thậm chí, để thu hút du khách giàu có, có khả năng chi trả cao, Singapore đã xây dựng tới 2 tổ hợp du lịch rất lớn gắn với Casino và chỉ sau 2 năm, doanh thu về du lịch của Singapore là tăng gấp gần 1,5 lần.
Tất nhiên, để phát triển thành công Casino thì kèm theo đó là một hệ thống cơ chế, quản lý rất chặt chẽ để tránh biến tướng tiêu cực, ảnh hưởng văn hóa bản địa. Vậy quay lại câu chuyện của Đà Nẵng, chúng tôi cho rằng khu thương mại tự do chính là cơ hội để chúng ta phát triển những sản phẩm du lịch, những loại hình mà trong tư duy và cách tiếp cận của chúng ta vẫn chưa được mở, chưa kể bị ràng buộc bởi nhiều luật, cơ chế khác nhau.
Đà Nẵng đang lấy ý kiến 4 vị trí để triển khai Khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam - Ảnh: Kim Liên
Khu thương mại tự do là cơ hội lớn không chỉ cho Đà Nẵng mà cho cả du lịch Việt Nam Với khu thương mại tự do, chúng ta có thể hướng tới có những khu mua sắm với mức thuế thấp nhất, thậm chí là "về 0". Sau mua sắm là ẩm thực, thế mạnh khác của du lịch Việt, nhất là khi mới đây Sun Group đã cùng đồng hành để đưa hệ thống đánh giá quốc tế Michelin Guide về Đà Nẵng, nhằm tôn vinh ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực của miền Trung nói riêng.
Khi hình thành khu thương mại tự do Đà Nẵng thì ý tưởng xây dựng Tổ hợp vui chơi giải trí - mua sắm - ẩm thực với những chính sách đột phá gắn với kinh tế đêm và công nghiệp văn hóa sẽ lần đầu tiên có cơ hội trở thành hiện thực ở Việt Nam.
Nhiều ý kiến dự báo, khi có khu thương mại tự do, Đà Nẵng sẽ thu hút đội ngũ chuyên gia quốc tế, doanh nhân, nhân sự chất lượng cao đến sinh sống, làm việc lâu dài. Ông nhận định ra sao về điều này?
Tôi cho rằng, khu thương mại tự do là mô hình có tính đột phá. Để đạt được thành công, khu thương mại tự do thường gắn với hệ thống hạ tầng đầu mối ví dụ sân bay, cảng biển… Bên cạnh tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp sản xuất, logistics… vị trí này thúc đẩy phát triển du lịch.
Chẳng hạn, hiện nay sân bay Đà Nẵng không có được sức hấp dẫn từ các khu thương mại tự do nên các chuyến bay trực tiếp từ các quốc gia đến Đà Nẵng còn rất hạn chế. Nếu có khu thương mại tự do, chắc chắn là các đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng sẽ tăng lên rất nhiều, đi cùng với đó là lực hút khách du lịch đến với Đà Nẵng tăng cao.
Khu thương mại tự do hứa hẹn giúp Đà Nẵng thu hút đội ngũ chuyên gia, doanh nhân tới sinh sống và làm việc lâu dài
Tiếp theo đó, khi chúng ta có khu thương mại tự do sẽ phát huy lợi thế về đầu mối cửa ngõ của Đà Nẵng về đường biển. Cho đến hiện nay, du lịch Việt Nam chưa có một cảng du lịch biển theo đúng nghĩa. Cảng du lịch theo đúng nghĩa phải gắn với các tổ hợp dịch vụ. Vậy khu thương mại tự do sẽ giải quyết vấn đề này, kèm theo đó là bất động sản du lịch vì đây là những khu vực được hưởng các cơ chế chính sách tốt nhất mà những nơi khác sẽ không có được.
Điểm hấp dẫn nữa của khu thương mại tự do, với việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, tổ hợp dịch vụ đi kèm, là có thể tạo ra những khu vực đặc biệt. Chẳng hạn một khu như "làng khoa học" để hấp dẫn chuyên gia, nhà nghiên cứu, lao động trình độ cao về du lịch, thương mại, tài chính… có thể đến sống và làm việc lâu dài ở Đà Nẵng. Đó sẽ là cơ hội lớn mở ra với Đà Nẵng.
Chuẩn bị cho "cuộc chơi lớn" với công nghiệp văn hóa
Với cơ chế, chính sách đặc thù đã được thông qua, theo ông, thành phố sẽ cần những giải pháp thiết thực nào để tiếp tục thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch?
Thời gian qua, Đà Nẵng may mắn có được nhà đầu tư chiến lược có tâm và có tầm, đồng hành với Đà Nẵng trong bối cảnh khó khăn nhất và hướng tới tầm nhìn xa chứ không chỉ nghĩ tới lợi ích trước mắt. Ngược lại, Đà Nẵng cho dù có những cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp nhưng vẫn nằm trong tổng thể chính sách chung của quốc gia.
Như vậy, với việc thí điểm cơ chế chính sách đặc thù, Đà Nẵng lúc này có điều kiện hỗ trợ sòng phẳng hơn cho các Tập đoàn kinh tế tư nhân đã đầu tư rất lớn cho du lịch Đà Nẵng. Mặt khác, đây là cơ hội để Đà Nẵng có những chính sách thu hút các nhà đầu tư tốt hơn về với thành phố.
Đà Nẵng đang là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa. Không chỉ thành công với Lễ hội pháo hoa quốc tế đã tổ chức 12 lần, năm nay Đà Nẵng còn gây ấn tượng với nhiều chương trình sự kiện quốc tế lớn, các lễ hội, show diễn hấp dẫn. Ông đánh giá như thế nào về cách phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch của Đà Nẵng, thưa ông?
Công nghiệp văn hóa không chỉ là cơ hội để Việt Nam bứt phá về mặt văn hóa mà lĩnh vực này được xem như một thực thể gắn liền với du lịch. Bản thân trong công nghiệp văn hóa đã có du lịch văn hóa là một hợp phần quan trọng.
Đà Nẵng ngày càng đầu tư cho các show diễn nghệ thuật
Công nghiệp văn hóa phát triển giống như cực nam châm hút khách. Cứ nhìn chuyến lưu diễn của Taylor Swift. Singapore đã bỏ ra 25 triệu đô để giành được đặc quyền là nước duy nhất ở Đông Nam Á trở thành điểm đến trong tour lưu diễn đó. Để rồi tổng kết lại, quốc gia này đã thu về trên 500 triệu đô. Một cơ hội rất lớn như vậy nhưng không phải nước nào cũng có thể nắm bắt được. Sâu xa hơn, vấn đề không chỉ nằm ở nguồn lực, nếu chúng ta không có cơ chế chính sách đặc biệt thì chúng ta cũng không thể hấp dẫn, thu hút được các ca sĩ, nhóm nhạc hàng đầu đến biểu diễn được.
Hiện nay, chúng ta cũng đã bắt đầu manh nha cái gọi là công nghiệp văn hóa với các show diễn như ở Hội An, Hà Nội, Phú Quốc… tuy nhiên, vẫn còn rất nhỏ lẻ. Thực tế thì Đà Nẵng cũng đã nỗ lực đầu tư cho mảng miếng mới này với "Bản giao hưởng bên sông", "Dòng sông thức giấc" tại Đà Nẵng Downtown hay các show nghệ thuật hóa trang tại Bà Nà. Dẫu vậy, nhìn chung công nghiệp văn hóa Việt Nam vẫn thiếu cú hích, sự bùng nổ bởi sự tham gia của các nghệ sĩ danh tiếng thế giới. Cần có điều kiện, có chính sách để hấp dẫn được các nhà đầu tư thì công nghiệp văn hóa mới phát triển rực rỡ và đem lại thành công.
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2024 (DIFF) vừa khép lại với con số ấn tượng về khán giả và hiệu ứng thu hút du khách tới thành phố, ông đánh giá như thế nào về vai trò của DIFF với du lịch cũng như kinh tế Đà Nẵng?
Như tôi đã đề cập, việc Sun Group đồng hành cùng Đà Nẵng suốt 12 năm từ 2008 đến nay đã góp phần quan trọng tạo nên hình ảnh Đà Nẵng – thành phố của sự kiện và lễ hội. Không phải ngẫu nhiên mà tổ chức du lịch thế giới đã 2 lần trao cho Đà Nẵng giải thưởng điểm đến sự kiện hấp dẫn hàng đầu châu Á vào các năm 2016, 2019. Một khi có được những giải thưởng, thương hiệu và hình ảnh của Đà Nẵng cũng sẽ hoàn toàn thay đổi và vượt lên trên trường quốc tế.
Lễ hội pháo hoa quốc tế góp phần hút khách mùa hè cho Đà Nẵng
Theo số liệu từ Sở Du lịch Đà Nẵng, lượng khách do các cơ sở lưu trú du lịch phục vụ qua hơn 1 tháng diễn ra sự kiện DIFF 2024 đâu đó đạt hơn 1,5 triệu lượt, tăng 60% so với kỳ DIFF 2023.
Hiệu ứng của DIFF với số lượng khách tăng lên đột biến đã minh chứng cho sức hút của lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng – một trong những điểm nhấn của điểm đến sự kiện hàng đầu thế giới. Tôi cho rằng, tác động của lễ hội pháo hoa là rất lớn và nếu chúng ta tiếp tục duy trì thì sẽ làm đậm thêm hình ảnh của Đà Nẵng không chỉ trong khu vực mà cả trên thế giới. Nếu lễ hội pháo hoa kết hợp với các show diễn hoành tráng đang được đầu tư tại Đà Nẵng, tiếp tục diễn ra trong một khoảng thời gian phù hợp nữa thì tôi cho rằng hiệu quả thu hút khách du lịch sẽ còn tăng lên rất nhiều.
Đà Nẵng nên có chiến lược đầu tư như thế nào để tiếp tục nâng tầm vị thế thương hiệu Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng và danh hiệu điểm đến của sự kiện lễ hội hấp dẫn hàng đầu châu Á, thưa ông ?
Đà Nẵng nên tiếp tục đầu tư và đồng hành với nhà đầu tư chiến lược để nâng tầm vị thế thương hiệu Lễ hội pháo hoa quốc tế. Thành phố không nên thỏa mãn với những gì đã có bởi vì thực tế ngoài lễ hội pháo hoa, quy mô của các hoạt động gắn với công nghiệp văn hóa còn nhỏ lẻ và thiếu tính hệ thống. Như vậy, Đà Nẵng cần có chiến lược lâu dài trong việc phát triển công nghiệp văn hóa trên nền những sự kiện, lễ hội mà Đà Nẵng đã có, để chúng ta có những bước đi chắc chắn hơn, đủ sức cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, sự hỗ trợ của các chính sách đặc thù và việc thành lập khu thương mại tự do là vô cùng quan trọng.
Xin cảm ơn ông!