Giải bài toán nâng hạng thị trường chứng khoán

Quy mô thị trường chứng khoán trong nước ngày càng lớn, rất cần nâng hạng. Mục tiêu nâng hạng thị trường được Chính phủ ấn định thực hiện trong năm tới. Thời gian còn lại để chuẩn bị không nhiều, trong khi vẫn còn không ít vấn đề cần tháo gỡ.

Giải bài toán nâng hạng thị trường chứng khoán- Ảnh 1.

UBCKNN kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi. Ảnh: CTV

Trong một chương trình đối thoại mới được tổ chức ở Hà Nội về phát triển thị trường chứng khoán, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, năm 2025, phấn đấu để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Song song với các giải pháp kỹ thuật, xây dựng cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu hơn vào thị trường chứng khoán, bà Phương cho biết, UBCKNN sẽ: Tập trung cơ cấu lại cơ sở hàng hóa, tổ chức kinh doanh chứng khoán trên thị trường, nhà đầu tư; Mở rộng hơn nữa cơ hội cho doanh nghiệp huy động vốn... Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng khẳng định: “Không ai một mình có thể kéo thị trường chứng khoán đi lên, mà tất cả phải cùng nhau tiến bước, đưa thị trường đi lên một chặng đường phát triển mới về chất. Tôi khẳng định cơ quan quản lý nhà nước sẽ đi đầu trong hành trình này”.

Thứ trưởng chỉ rõ, thị trường chứng khoán muốn đạt chất lượng cao, phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhà đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam đang có tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân cao hơn hẳn so với nhà đầu tư tổ chức (chỉ chiếm 14% trong tổng số 8 triệu tài khoản). Số lượng nhà đầu tư ngoại chiếm tỷ lệ rất ít trong tổng cơ cấu thị trường.

Để tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức, theo ông Chi, công việc phải làm rất nhiều. Đơn cử như việc thay đổi nhận thức và tâm lý của các nhà đầu tư Việt Nam, ai cũng thích tự quản lý tài sản và tự giao dịch. Kết quả đầu tư phụ thuộc vào năng lực, trình độ nhận thức khác nhau, bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông… Tuy nhiên, việc thay đổi nhận thức không thể một sớm một chiều "Có tổ chức chuyên nghiệp thì không nhất thiết phải đạt 8 triệu tài khoản chứng khoán mà chỉ cần 5-6 triệu nhưng một nửa là nhà đầu tư tổ chức sẽ hợp lý", ông Chi nói.

Về phía nhà đầu tư tổ chức, Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital chỉ ra, một trong những rào cản dẫn vốn vào Việt Nam đến từ việc thị trường chứng khoán chưa được nâng hạng. Ông Dominic phân tích: “Khi giới thiệu với định chế tài chính, mong muốn họ đầu tư vào Việt Nam, nhà quản lý quỹ cần chuẩn bị bài thuyết phục hội đồng đầu tư. Tuy nhiên, điều này rất khó, vì Việt Nam không nằm trong nhóm thị trường mới nổi. Họ coi khoản đầu tư dự kiến đó là ngoại lệ”.

Gỡ nút thắt ký quỹ cho nhà đầu tư ngoại

UBCKNN vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức có thể mua chứng khoán không cần ký quỹ đủ tiền. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng cần hoàn thiện để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với đề xuất lần này, công ty chứng khoán sẽ đánh giá rủi ro để xác định mức tiền ký quỹ khi đặt lệnh mua. Trường hợp tổ chức nước ngoài không thanh toán đủ, nghĩa vụ trả phần còn lại được chuyển cho công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán được bán thỏa thuận hoặc chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống với số cổ phiếu đã về tài khoản trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thiếu tiền thanh toán. Sửa đổi đáng chú ý khác là việc tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có quyền tiếp cận thông tin thông qua hoạt động công bố thông tin bằng tiếng Anh

UBCKNN kỳ vọng, việc ban hành thông tư sẽ tác động tích cực đến quá trình xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/giai-bai-toan-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-a34503.html