TS. Nguyễn Văn Đính nói về nghịch lý thị trường BĐS: Sôi động, giá ‘bốc’, nhưng lượng nhà bán ra chỉ bằng 15%, còn giá nhà đã tăng gấp đôi so với 2018

"Thị trường đang có dấu hiệu sôi động, giá cả bốc lên mạnh... nhưng mới đạt được con số nhỏ so với bình thường", TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - nhận định.

TS. Nguyễn Văn Đính nói về nghịch lý thị trường BĐS: Sôi động, giá ‘bốc’, nhưng lượng nhà bán ra chỉ bằng 15%, còn giá nhà đã tăng gấp đôi so với 2018- Ảnh 1.

TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

"Sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay có thể nói rất suy yếu", TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế mùa hè 2024 do VnEconomy tổ chức.

Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, thị trường căn hộ Quý 2/2024 tiếp tục ghi nhận tín hiệu khởi sắc. Nguồn cung nhà ở sơ cấp đạt hơn 27.000 sản phẩm, với hơn 14.400 giao dịch thành công..

Số liệu này lần lượt gấp 3 lần và 2,4 lần so với quý trước.

"Thị trường đang có dấu hiệu sôi động, giá cả 'bốc' lên mạnh. Đó là một câu chuyện nghịch lý nhưng lại là thực tế. Nguồn cung sơ cấp hiện chỉ tương đương 15% so với giai đoạn 2018 - 2019", TS. Nguyễn Văn Đính cho biết.

So sánh về số lượng giao dịch thành công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết con số thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2024 chỉ tương đương khoảng 20% so với năm 2018 – 2019.

Về giá, TS. Đính thừa nhận giá có giảm, tuy nhiên giá nhà, giá bất động sản nói chung tại thời điểm này đã tăng 2 lần so với 2018.

Trong bối cảnh 6 năm qua thì có tới 3 - 4 năm vừa khủng hoảng dịch bệnh lẫn khó khăn kinh tế, nhưng giá bất động sản vẫn tăng. "Đây có phải bất hợp lý không?", ông Đính đặt câu hỏi.

Doanh nghiệp đang xây nhà phục vụ cầu ở thực của "người có tiền"

TS. Nguyễn Văn Đính nói về nghịch lý thị trường BĐS: Sôi động, giá ‘bốc’, nhưng lượng nhà bán ra chỉ bằng 15%, còn giá nhà đã tăng gấp đôi so với 2018- Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Báo cáo của VARS mới đây đưa ra nhận định giá căn hộ sơ cấp vẫn khó giảm, đặc biệt khi nguồn cung căn hộ cao cấp đang áp đảo, chi phí xây dựng tăng cao cùng với không gian, tiện ích được đầu tư ngày càng chất lượng.

Quỹ đất phát triển nhà ở thương mại ở trung tâm và vùng ven trung tâm sẽ tiếp tục được các chủ đầu tư phát triển phân khúc căn hộ, phục vụ cho nhu cầu đầu tư và nhu cầu ở thực của "người có tiền". Còn để sở hữu nhà, các cá nhân thu nhập trung bình, thấp sẽ tiếp tục phải "trông chờ" vào nhà ở xã hội, mà phân khúc này sẽ không có nhiều ở bán kính dưới 30km tính từ khu vực trung tâm.

VARS nhận định nhu cầu đầu tư vẫn đang trong xu hướng phục hồi, niềm tin của người dân và doanh nghiệp về sự hồi phục sớm của thị trường đang ở mức cao bởi Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và khoản 2, điều 209 của Luật các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây, sớm hơn 5 tháng so với quyết định trước đó.

"Chúng tôi cũng nhận thấy Chính phủ, các bộ, ngành rất quyết liệt, tích cực để thúc đẩy, tạo ra thể chế tốt hơn để tháo gỡ khó khăn", TS. Đính nói và khuyến nghị các nghị định khi ban hành cần hết sức triệt để, tránh vướng mắc tồn đọng.


Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/ts-nguyen-van-dinh-noi-ve-nghich-ly-thi-truong-bds-soi-dong-gia-boc-nhung-luong-nha-ban-ra-chi-bang-15-con-gia-nha-da-tang-gap-doi-so-voi-2018-a34426.html