Các công ty trong một số ngành gồm hàng không, ngân hàng, truyền thông đã bị ảnh hưởng nặng vì sự cố ngừng hoạt động hệ thống máy tính sử dụng hệ điều hành Windows của Microsoft.
Sự cố này ảnh hưởng đến các máy tính chạy Windows có sử dụng hệ thống bảo mật của CrowdStrike. CrowdStrike cho biết đến thời điểm này sự cố đã được khắc phục và họ đang làm việc với những khách hàng bị ảnh hưởng, triển khai bản sửa lỗi.
CrowdStrike là ai mà khiến thế giới chao đảo đến vậy?
CrowdStrike cung cấp giải pháp bảo mật dựa trên đám mây cho doanh nghiệp. Công cụ Facon của họ - một trong những lý do gây ra sự cố ngừng hoạt động hôm 19/7 – có nhiệm vụ xác định hành vi bất thường và các lỗ hổng để bảo vệ hệ thống máy tính khỏi các mối đe doạ như phần mềm độc hại.
Được thành lập vào năm 2011 và có trụ sở tại Austin, Texas, CrowdStrike hoạt động tại hơn 170 quốc gia với hơn 7.900 nhân sự tính đến tháng 1/2024.
Thị trường Mỹ chiếm đến gần 70% trong khoản doanh thu hơn 900 triệu USD của hãng trong quý I/2024.
CrowdStrike đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các công ty tìm và ngăn chặn các sự cố về bảo mật. Họ tự gọi mình là công ty có "thời gian trung bình nhanh nhất" phát hiện ra các mối đe doạ bảo mật. Công ty này cũng từng giúp điều tra các cuộc tấn công mạng lớn như vụ hack Sony Pictures năm 2014 cũng như cuộc tấn công mạng của Nga vào Uỷ ban Quốc gia Đảng Dân chủ Mỹ năm 2015 và 2016.
Tính đến trước khi sự cố xảy ra, định giá của CrowdStrike lên tới 83 tỷ USD.
Theo trang web của CrowdStrike, họ có khoảng 29.000 khách hàng, với hơn 500 khách hàng nằm trong danh sách Fortune 1000. Một số khách hàng lớn có thể kể đến của CrowdStrike như Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Intel.
Tuy nhiên, chính sự quan trọng của CrowdStrike đã đặt họ vào tình thế có thể gây ra những rắc rối khổng lồ khi sự cố xảy ra.
Nguồn: Reutes, The Verge