Nhiều doanh nghiệp đang lỗ nặng bất ngờ báo... lãi

Không đến từ mảng kinh doanh cốt lõi, khoản lợi nhuận khác lại giúp nhiều doanh nghiệp báo lãi lớn trong quý II. Kế hoạch thanh lý tài sản, bán công ty con tiếp tục được thực hiện để hỗ trợ dòng tiền.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II vừa công bố của Tập đoàn xây dựng hoà Bình (mã HBC) ghi nhận khoản lợi nhuận khác 515 tỷ đồng từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định. Công ty còn hoàn nhập gần 293 tỷ đồng dự phòng nợ phải thu khó đòi (trong khi cùng kỳ doanh nghiệp phải trích lập 412 tỷ đồng). Đây là những yếu tố quyết định giúp HBC lãi sau thuế 684 tỷ đồng (mức lợi nhuận quý kỷ lục), thoát lỗ so với cùng kỳ (âm 268 tỷ đồng).

Như vậy, chỉ sau 6 tháng, nhờ bán tài sản, HBC đã vượt kế hoạch lợi nhuận của cả năm (đặt mục tiêu 433 tỷ đồng). Trong khi đó, cả doanh thu và biên lợi nhuận thu hẹp của HBC tiếp tục sụt giảm.

Doanh thu thuần đạt 2.160 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó giá vốn lại tăng gần 10% lên 2.060 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 100 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 17% xuống chỉ còn 4,6%.

Trên sàn chứng khoán, HBC “ cháy hàng”, có thời điểm đạt mức giá trần. Chỉ qua 2 phiên gần nhất, HBC tăng 8,5% lên 8.100 đồng/cổ phiếu.

Ghi nhận lợi nhuận quý II tăng hơn 263 lần, CTCP Vận tải biển Việt Nam - Vosco (mã VOS ) gây chú ý khoản lợi nhuận khác trong kỳ tăng đột biến do công ty bán tàu Đại Minh. Đây là yếu tố chính giúp Vosco lãi ròng tới 283,8 tỷ đồng trong quý này. Kết quả trên cũng giúp lãi trước thuế lũy kế 6 tháng đầu năm của VOS đạt hơn 427 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch cả năm.

Nhiều doanh nghiệp đang lỗ nặng bất ngờ báo... lãi- Ảnh 1.

Vosco ghi nhận khoản lợi nhuận khác đột biến do bán tàu (ảnh: Vosco).

Tháng 4, Vosco đã đấu giá công khai tàu Đại Minh, với giá khởi điểm 356 tỷ đồng, tiền đặt trước 30 tỷ đồng. Tàu dầu sản phẩm Đại Minh, đóng năm 2004 tại Nhật Bản, đã trên 20 tuổi sử dụng. Ngoài ra, năm nay, công ty dự kiến trả lại 2 tàu Đại An, Đại Phú do hết hợp đồng thuê.

Phiên giao dịch hôm nay (19/7), cổ phiếu VOS hồi phục nhẹ hơn 1%. Trước đó, với đà tăng nóng của nhóm vận tải biển, VOS từng ghi nhận mạch tăng mạnh trong tháng 6, đầu tháng 7, đưa cổ phiếu lên mức cao nhất 21.900 đồng/cổ phiếu.

Việc thanh lý tài sản , bán công ty con tiếp tục được nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch thực hiện trong thời gian tới để hỗ trợ dòng tiền. Hội đồng quản trị CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã PDR) đã thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Đầu tư bất động sản BIDICI. Tại thời điểm ngày 31/3, Phát Đạt đang sở hữu 49% cổ phần tại doanh nghiệp này, tương ứng giá trị hơn 1.117 tỷ đồng.

Giá chuyển nhượng được thông qua không thấp hơn 130% mệnh giá. Theo đó, nếu thoái vốn thành công, Phát Đạt có thể thu về ít nhất 1.450 tỷ đồng.

Cuối năm ngoái, việc chuyển nhượng công ty cũng từng đóng góp quan trọng, giúp Phát Đạt lãi gần 300 tỷ đồng trong quý IV/2023, "sạch" nợ trái phiếu. Cụ thể, doanh nghiệp bất động sản này chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt (PDI).

Nhiều doanh nghiệp đang lỗ nặng bất ngờ báo... lãi- Ảnh 2.

Viconship rút khỏi dự án khách sạn Hyatt Place Hải Phòng (ảnh: Wealthcons).

CTCP Container Việt Nam (mã VSC) đã thông báo nghị quyết hội đồng quản trị về việc thanh lý hợp đồng dự án khách sạn Hyatt Place Hải Phòng, thực hiện tất toán nợ vay với Ngân hàng TMCP Bảo Việt liên quan đến dự án này.

Tổng vốn đầu tư của toàn bộ dự án là hơn 1.420 tỷ đồng, trong đó các công ty con của VSC góp hơn 823 tỷ đồng (mỗi công ty thực góp gần 412 tỷ Đồng) và T&D Group góp 600 tỷ đồng. Tiền góp vốn gốc của các công ty con được chuyển cho T&D Group để thực hiện dự án đầu tư và được hoàn trả bởi T&D Group từ năm nay trở đi. Cụ thể, T&D Group sẽ thanh toán tối thiểu 5 tỷ đồng/năm, từ năm 2028 thanh toán tối thiểu 15 tỷ đồng/năm và từ năm 2035 thanh toán tối thiểu hơn 34 tỷ đồng/năm.

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/nhieu-doanh-nghiep-dang-lo-nang-bat-ngo-bao-lai-a34198.html