Không để lãng phí vốn đầu tư công

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công phải là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan

Ngày 16-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024.

Nhiều địa phương giải ngân vốn thấp

Năm 2024, Thủ tướng giao gần 670.000 tỉ đồng vốn công cho các địa phương và đặt mục tiêu giải ngân 95% số này. Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30-6 là 196.700 tỉ đồng; đạt 29,39% kế hoạch; cùng kỳ năm 2023 đạt 30,49%.

Có 11/44 bộ, cơ quan Trung ương và 35/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước, như các bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng,…; các địa phương Nam Định, Thanh Hóa, Lào Cai, Phú Thọ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang.

Phân tích kỹ hơn về kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng tỉ lệ chung của cả nước thấp so với với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, tỉ lệ giải ngân vốn ngân sách địa phương đạt 28,77%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (32,76%).

Đáng chú ý, nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương không duy trì được kết quả giải ngân tốt như cùng kỳ năm 2023. Một số địa phương được giao kế hoạch năm 2024 cao hơn năm 2023 nhưng có giá trị giải ngân thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 như: TP HCM, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Nai.

Một số dự án được giao kế hoạch vốn năm 2024 lớn nhưng có tỉ lệ giải ngân thấp như dự án Vành đai 3 - TP HCM; Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh…

Gắn kết quả với đánh giá cán bộ

Là bộ giải ngân cao nhất trong cả nước khi đạt tỉ lệ 41,16% trong 6 tháng qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết để đạt được kết quả đó, ngành giao thông đã phân công, phân cấp rõ trách nhiệm, xác định trách nhiệm người đứng đầu gắn với xếp loại và kiểm tra công vụ. Trong phân công nhiệm vụ, Bộ GTVT thực hiện phân công có trọng tâm, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả, để dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá, dễ khen thưởng, phê bình, kỷ luật. Bên cạnh đó, Bộ GTVT tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn trong thời gian nhanh nhất, đạt hiệu quả cao nhất.

Trong khi đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết tổng các nguồn vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh là hơn 20.706 tỉ đồng, trong đó có hơn 1.747 tỉ đồng vốn ngân sách Trung ương.

Tới nay, tỉnh đã phân bổ 100% vốn từ ngân sách Trung ương cho 4 dự án. Tính đến hết ngày 30-6, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giải ngân hơn 5.902 tỉ đồng (tất cả các nguồn vốn) đạt 29,94% so với kế hoạch được giao. Tỉ lệ giải ngân này thấp hơn cùng kỳ 2023 do số vốn được giao năm 2024 cao hơn năm 2023. Dù vậy, giá trị tuyệt đối giải ngân cao hơn 6 tháng đầu năm 2023 là 1.054 tỉ đồng.

Tính đến ngày 30-6, TP Đà Nẵng giải ngân đạt 1.892,533 tỉ đồng, bằng 25,95% kế hoạch vốn được Thủ tướng giao. Xác định 6 tháng cuối năm phải tập trung các giải pháp giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của năm 2024, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện các dự án; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, xác định đây là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2024.

Vành đai 3 - TP HCM, một trong những dự án có tỉ lệ giải ngân còn thấp Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Vành đai 3 - TP HCM, một trong những dự án có tỉ lệ giải ngân còn thấp Ảnh: HOÀNG TRIỀU

"Chỉ bàn làm, không bàn lùi"

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính phê bình nghiêm khắc các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng giao và 33 bộ/cơ quan, 28 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Lý do giải ngân vốn công chậm, Thủ tướng cho rằng kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm; khâu chuẩn bị dự án sơ sài, chất lượng kém và năng lực nhiều ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn, nhà thầu yếu. Theo Thủ tướng, vẫn còn tình trạng né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm khi được giao nhiệm vụ; huy động nguồn vốn chưa kịp thời, nhất là từ đất đai, trái phiếu chính quyền địa phương. "Một số địa phương còn chưa chủ động, chưa quyết liệt, còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, chưa thể hiện được tinh thần trách nhiệm chính trị cao. Việc triển khai thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có lúc, có nơi còn chậm" - Thủ tướng nêu.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần "5 quyết tâm" và "5 bảo đảm". Trong đó, "5 quyết tâm" gồm: Quyết tâm giữ vững kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đẩy lùi tiêu cực; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng kịp thời gian; tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, thủ tục; đổi mới phương pháp, cách làm; khắc phục bằng được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai.

Đối với "5 bảo đảm", Thủ tướng yêu cầu: Bảo đảm chủ động nguyên vật liệu và các điều kiện cần thiết cho dự án; nhân lực có tâm, có tầm, có trách nhiệm; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; quản lý đúng quy định, không kéo dài, đội vốn, gây thất thoát vốn; bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường.

Nhấn mạnh vốn đầu tư công là tiền của Nhà nước, nhân dân, phải sử dụng hiệu quả, không chậm trễ, lãng phí, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết Chính phủ, chỉ thị/công điện của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Cùng với đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; "chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn. Kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công và các quy định tại các luật liên quan theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền; tháo gỡ các chồng chéo, vướng mắc; xóa bỏ xin - cho; chống phiền hà, sách nhiễu…, đặc biệt là các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. 

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT, các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, liên vùng gắn với đợt thi đua "500 ngày đêm quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thi đua hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc" để hoàn thành 3.000 km cao tốc chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam và 80 năm Quốc khánh.

TP HCM đang xử lý 189 vấn đề

Năm 2024, TP HCM được giao hơn 79.200 tỉ đồng vốn đầu tư công và hiện đã giải ngân được 11.511 tỉ đồng, đạt 14,5%.

Đề cập nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công của thành phố trong 6 tháng đầu năm thấp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chia sẻ UBND TP HCM, các sở, ngành, chủ đầu tư đã có sự điều hành quyết liệt, họp hằng tuần nhưng có những việc họp "5 lần 7 lượt" vẫn chưa giải quyết xong, từ quy hoạch, đất đai, bồi thường, tái định cư đến thủ tục dự án, quyết toán.

Cụ thể, trong hơn 79.000 tỉ đồng vốn đầu tư công, có 28.000 tỉ đồng bố trí cho các dự án mới, 22.000 tỉ đồng bố trí cho giải phóng mặt bằng còn gặp một số khó khăn nên giải ngân chậm.

Riêng dự án chống ngập được bố trí 6.800 tỉ đồng, vốn ODA 3.700 tỉ đồng. Hai nhóm này vốn khá lớn với hơn 10.000 tỉ đồng nhưng đang vướng mắc và khả năng giải ngân là rất khó khăn.

"Hiện có trên 60.000/79.000 tỉ đồng vốn đầu tư công gặp khó khăn trong giải ngân nên tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thành phố thấp" - Chủ tịch UBND TP HCM nói.

Ông Phan Văn Mãi cho biết có 189 vấn đề đang tồn tại xung quanh việc giải ngân vốn đầu tư công và đã được giao cho từng đầu mối xử lý. UBND TP HCM đã thành lập một tổ chuyên trách để theo dõi hằng ngày tiến độ xử lý các đầu việc để kịp thời nhắc nhở, trao đổi, tìm hướng tháo gỡ.


Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/khong-de-lang-phi-von-dau-tu-cong-a33896.html