Cần gia tăng doanh nghiệp chất lượng lên sàn “đón sóng” nâng hạng

Trong kịch bản cơ sở, tỷ trọng của thị trường Việt Nam trong rổ chỉ số FTSE mới nổi (thứ cấp) sẽ đạt khoảng 0,8% đến 1%; tương ứng dòng vốn vào ròng khoảng 0,4 đến 9,3 tỷ USD so với trước khi nâng hạng.

Nền kinh tế đã bước vào hai quý còn lại của năm 2024, với mức tăng trưởng 6,42% trong hai quý đầu năm. Thị trường chứng khoán cũng đi lên theo đà phục hồi của nền kinh tế khi đã tăng điểm kéo dài và tạo nền vững chắc. Cùng với đó, các nhà đầu tư cũng đang mong đợi thị trường sẽ sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Vậy bước sang hai quý còn lại của năm 2024, nền kinh tế sẽ diễn biến ra sao và thị trường chứng khoán sẽ theo xu hướng nào, nhất là trong kỳ vọng sớm được nâng hạng?

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính trên VTV8, ông Kang Moon Kyung, Tổng Giám đốc, Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset (MAS) đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những yếu tố thuận lợi để phát triển mạnh mẽ và vững chắc trong tương lai, cũng như mở ra nhiều cơ hội về dài hạn.

BTV Mùi Khánh Ly: Ông đánh giá sao về mức tăng trưởng 6,93% của GDP trong quý 2 và 6,42% cho cả hai quý đầu năm 2024 của Việt Nam?

Ông Kang Moon Kyung, Tổng Giám đốc, Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset (MAS)

Theo tôi, có 3 nguyên nhân chính thúc đẩy GDP quý 2 năm 2024 tăng trưởng mạnh hơn kỳ vọng, thứ nhất đó là hoạt động sản xuất tăng tốc nhờ xuất khẩu hồi phục, thứ hai là ngành du lịch tiếp tục tăng trưởng trở lại đã hỗ trợ tăng trưởng bán lẻ, thứ ba là lĩnh vực bất động sản cũng ghi nhận sự cải thiện. Như vậy, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,4%, với sự đóng góp lớn từ tiêu dùng, từ đầu tư và từ thặng dư thương mại. Do vậy, chúng tôi hoàn toàn tin rằng mục tiêu tăng trưởng cả năm của Chính phủ là hoàn toàn khả thi.

Thị trường chứng khoán cũng đã đi lên trong thời gian dài, theo đà phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, gần đây đà tăng có phần chậm lại hơn giai đoạn đầu, theo ông là vì sao?

Như chúng ta đã thấy, VN-Index tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm, động lực chính đến từ triển vọng lợi nhuận của nhóm Ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng bùng nổ trong các tháng cuối của năm 2023, và kéo theo kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2024, cùng với kỳ vọng Fed sẽ sớm giảm lãi suất hồi đầu năm. Tuy nhiên, các động lực này đã được phản ánh vào đà tăng mạnh mẽ trong các tháng đầu năm 2024, và bị giảm đi đáng kể khi bước sang quý 2. Điều này đã khiến thị trường điều chỉnh mạnh khi bước sang tháng 4. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng các tháng 4 và tháng 5 khá yếu, dẫn đến giá cổ phiếu của các ngành vốn chiếm tỷ trọng vốn hoá lớn là Ngân hàng và Bất động sản hạ nhiệt, làm thị trường chung giảm trong quý 2/2024.

Một vấn đề mà nhà đầu tư cũng đang quan tâm nhiều là khối ngoại vẫn bán ròng liên tục trong bối cảnh trong nước nhiều thông tin tích cực, Fed cũng tuyên bố sẽ giảm lãi suất, theo ông vì sao?

Áp lực bán ròng của khối ngoại từ năm 2023 đến nay chủ yếu do ảnh hưởng của sự chênh lệch lãi suất lớn giữa Mỹ là 5,33% và Việt Nam là 4,5%. Chênh lệch này khiến cho việc nắm giữ USD đã là một lợi thế về mặt tỷ giá, và khi so sánh thêm về tính hấp dẫn của làn sóng đầu tư vào cổ phiếu công nghệ tại Mỹ hay diễn biến chung của các chỉ số chứng khoán tại Mỹ cũng cho thấy có phần hấp dẫn hơn so với thị trường Việt Nam. Hiện tại, Fed cũng đã công bố bản dự phóng kinh tế rằng sẽ có ít nhất 1 lần cắt lãi suất trong 2024, và 4 lần cắt trong năm 2025. Do đó, áp lực mất giá lên tiền đồng vẫn là mối quan ngại chính của chúng tôi cho đến giữa năm 2025.

Bước sang hai quý còn lại của năm 2024, theo ông nền kinh tế sẽ diễn biến như thế nào?

Chúng tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi. Trong đó, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đóng vai trò quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Theo chúng tôi, quan trọng nhất là Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của FDI. Đáng chú ý, Việt Nam tiếp tục thực hiện cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, R&D, công nghệ cao.

Khu vực FDI hiện đang là động lực chính thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian tới, nhờ vào việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đang tăng tốc kể từ tháng 5, tiếp đó là số liệu PMI sản xuất tăng mạnh trong tháng 6 lên mức 54,7 điểm.

Chúng tôi cũng chú ý rằng giải ngân đầu tư công trong trong nửa đầu năm chưa đạt đến 30% kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao. Do đó, chúng tôi tin rằng Việt Nam đang có dư địa lớn để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,5% từ việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Trên thị trường chứng khoán, thông tin đang được mong chờ là thị trường chứng khoán sẽ được nâng hạng, ông đánh giá như thế nào về triển vọng này và thị trường chứng khoán sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới?

Chúng ta thấy rằng Chính phủ đang quyết tâm giải quyết các điểm nghẽn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng, trước mắt sẽ là các tiêu chuẩn của FTSE. Trong trường hợp lạc quan nhất thì chúng ta vẫn có thể kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ bắt kịp tiến độ đối với kỳ đánh giá tiếp theo của FTSE vào tháng 9 sắp tới. Tuy nhiên, trong kịch bản mang tính khả thi hơn vẫn là kỳ vọng cho năm 2025.

Về triển vọng sau khi được nâng hạng thành công, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ phản ánh đầy đủ tiềm năng, với luồng tiền đầu tư đến từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo ước tính của chúng tôi, trong kịch bản cơ sở, tỷ trọng của thị trường Việt Nam trong rổ chỉ số FTSE mới nổi (thứ cấp) sẽ đạt khoảng 0,8% đến 1%; tương ứng dòng vốn vào ròng khoảng 0,4 đến 9,3 tỷ USD so với trước khi nâng hạng.

Vì vậy, điểm mối chốt ở đây là phải tăng được số lượng những cổ phiếu chất lượng thoả mãn tiêu chí đưa vào rổ chỉ số sau khi nâng hạng. Chúng tôi đề xuất có thể chuyển các cổ phiếu vốn hoá lớn có yếu tố cơ bản tốt từ sàn UPCOM sang niêm yết ở HOSE. Thứ hai là đẩy nhanh quá trình IPO của các công ty tiềm năng (đặc biệt là các công ty nhà nước), cũng như thúc đẩy việc thoái vốn Nhà nước ở các công ty đang niêm yết. Các giải pháp này sẽ không chỉ giúp đa dạng hoá cấu trúc tổng thể của thị trường, mà còn giúp cải thiện yếu tố về quy mô và thanh khoản thị trường.

BTV Mùi Khánh Ly: Là thành viên trên thị trường các ông bà và công ty của mình đã và đang làm gì để thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán, phát huy hiệu quả kênh huy động vốn trung và dài hạn của Việt Nam?

Ông Kang Moon Kyung, Tổng Giám đốc, Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset (MAS)

Với gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính nói chung và hơn 17 năm tham gia thị trường Việt Nam, chúng tôi luôn không ngừng thay đổi và tìm kiếm các giải pháp tối ưu hơn cho các nhà đầu tư. Cụ thể, chúng tôi đang nghiên cứu từng bước ứng dụng AI vào việc tổng hợp thông tin thị trường, nâng cao chất lượng đội ngũ phân tích để mang đến cho nhà đầu tư những báo cáo thị trường thiết thực, nhanh và đầy đủ nhất. Chúng tôi cũng xây dựng đội ngũ tư vấn đầu tư của mình dần nâng cấp lên thành những chuyên viên quản lý tài sản để có thể giúp nhà đầu tư hiệu quả, gia tăng tài sản mỗi ngày.

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/can-gia-tang-doanh-nghiep-chat-luong-len-san-don-song-nang-hang-a33798.html