Biến tại Đại hội cổ đông của một doanh nghiệp có 51% vốn Nhà nước: Cổ đông nhỏ lẻ chất vấn chủ toạ đoàn loạt vấn đề, hầu hết các tờ trình đều không được thông qua

Trong các nội dung và tờ trình Đại hội, chỉ có duy nhất nội dung liên quan đến việc miễn nhiệm một thành viên HĐQT được cổ đông thông qua, còn lại đều không được tán thành. Đáng chú ý, nghị quyết ĐHĐCĐ cũng không được thông qua do không đủ tỷ lệ.

Sáng ngày 10/7, CTCP Vận tải biển Sài Gòn (mã SGS) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 với diễn biến bất ngờ khi các cổ đông có nhiều bất đồng quan điểm với ban lãnh đạo công ty xoay quanh các vấn đề như thể lệ đại hội, BCTC kiểm toán năm 2022, 2023 chậm công bố, miễn nhiệm và bầu thành viên HĐQT…

Ngay việc bầu Ban kiểm phiếu theo danh sách chủ toạ đoàn giới thiệu cũng không được cổ đông thông qua. Lý do cổ đông đưa ra là muốn tham gia vào Ban kiểm phiếu để giám sát quy trình kiểm phiếu. Đại hội sau đó đã bầu Ban kiểm phiếu theo đề xuất của cổ đông.

Tại Đại hội, nhiều cổ đông bày tỏ sự thắc mắc đối với điều 4.12 quy định về biên bản, nghị quyết ĐHĐCĐ trên Dự thảo thể lệ làm việc và biểu quyết ĐHĐCĐ: "Tất cả các nội dung tại ĐHĐCĐ phải được thư ký đại hội ghi vào biên bản họp ĐHĐCĐ. Biên bản họp ĐHĐCĐ và nghị quyết ĐHĐCĐ phải được đọc và thông qua trước khi bế mạc đại hội. Để làm rõ, không phụ thuộc vào kết quả biểu quyết từng phần trước đó, biên bản họp và nghị quyết toàn văn của ĐHĐCĐ được thông qua khi có số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận có giá trị pháp lý cuối cùng và có hiệu lực thi hành đối với tất cả cổ đông Công ty và với Công ty". Cổ đông cho rằng việc biểu quyết hai lần với các nội dung tại Đại hội là không phù hợp và bất lợi cho cổ đông nhỏ lẻ.

Trước những thắc mắc trên, đại diện SGS cho biết, đây là điều không phải mới, đã tồn tại ở thể lệ làm việc tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, cũng thông qua biểu quyết từng phần, sau đó mới thông qua toàn văn biểu quyết đại hội. Khi đó, cổ đông lớn là Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp Vận Toàn Cầu (GLS) đã phủ quyết và không phụ thuộc vào tính chính xác. Nghị quyết toàn văn ĐHĐCĐ cũng bị phủ quyết.

Đại hội sau đó lấy ý kiến cổ đông về vấn đề này và kết quả đa số tán thành việc không thông qua thể lệ làm việc và biểu quyết ĐHĐCĐ. Vì vậy, đại hội nhất trí điều chỉnh lại điều 4.12 thành nội dung: "Tất cả các nội dung tại ĐHĐCĐ phải được thư ký đại hội ghi vào biên bản họp ĐHĐCĐ. Biên bản họp ĐHĐCĐ phải được đọc và thông qua trước khi bế mạc đại hội".

Một nội dung cũng gây tranh cãi tại Đại hội là tờ trình liên quan đến việc thông qua BCTC riêng và hợp nhất ở những năm trước đó là 2022 và 2023. Theo đó, nhiều cổ đông cũng đưa ra những thắc mắc về việc chưa được kiểm toán nhưng lại trình thông qua.

Tại đại hội, đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán phía Nam (AASCS) cho biết "Ngày hôm qua, Ban điều hành có họp với phía kiểm toán và có nhiều văn bản phản hồi với kiểm toán. Phía kiểm toán đã phát hành báo cáo kiểm toán rồi nhưng Ban điều hành chưa ký, vì còn một số điểm sai sót trong báo cáo, do đó hai bên thống nhất gửi lại một bản điều chỉnh để bên kiểm toán ra báo cáo hoàn chỉnh".

Đại diện AASCS cũng nhấn mạnh rằng "Phía kiểm toán đã ra ý kiến ngoại trừ với BCTC của SGS, nhưng Ban điều hành vẫn chưa gửi văn bản về những phần điều chỉnh chủ yếu theo ý kiến của kiểm toán nên chưa phát hành được. Do đó, nói là lỗi từ phía kiểm toán phát hành chậm là không đúng".

Trong các nội dung và tờ trình Đại hội, chỉ có duy nhất nội dung liên quan đến việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Lê Minh được thông qua, còn lại đều không được tán thành. Đáng chú ý, nghị quyết ĐHĐCĐ cũng không được thông qua do không đủ tỷ lệ.

SGS tiền thân là Công ty Vận tải biển Sài Gòn, được thành lập ngày 22/9/1981. Công ty hoạt động dưới hình thức CTCP theo quyết định ngày 9/12/2004 của UBND TP. Hồ Chí Minh. Ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng hóa bằng đường biển trong và ngoài nước; đại lý môi giới hàng hải cho các tàu trong và ngoài nước...

SGS hiện có vốn điều lệ hơn 144 tỷ đồng, trong đó SAMCO là công ty mẹ chi phối 51%. SAMCO là doanh nghiệp nhà nước kinh doanh đa ngành, trong đó ngành chính là sản xuất các sản phẩm cơ khí giao thông, vận tải và cung cấp dịch vụ về giao thông, vận tải chất lượng cao. Tổng công ty chuyên kinh doanh ô tô, xe buýt, xe khách; Cung cấp phụ tùng chính phẩm, thực hiện bảo trì sửa chữa ô tô các loại; Sản xuất, lắp ráp các loại xe buýt và xe chuyên dùng trên nền cơ sở,…

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/bien-tai-dai-hoi-co-dong-cua-mot-doanh-nghiep-co-51-von-nha-nuoc-co-dong-nho-le-chat-van-chu-toa-doan-loat-van-de-hau-het-cac-to-trinh-deu-khong-duoc-thong-qua-a33607.html