Khi doanh nghiệp BĐS “đánh bắt xa bờ": Tăng cường “giá trị thặng dư" cho kinh tế địa phương

Sự “thay da đổi thịt” của một thành phố biển

Năm 2014, Sầm Sơn - khi đó là một thị xã ven biển công bố đón được 3,1 triệu lượt khách, tổng doanh thu ước đạt 1.785 tỷ đồng. Đây cũng được ghi nhận là năm Sầm Sơn đón lượng khách đông nhất.

10 năm sau, năm 2024, theo báo cáo của UBND Tp.Sầm Sơn, thành phố nhỏ nhất cả nước này đặt mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt hơn 15.700 tỷ đồng, mức tăng trưởng doanh thu đạt gần 1000% sau 10 năm. Đây được coi là tốc độ tăng trưởng “thần tốc" đối với một thành phố du lịch, đặc biệt sau giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Sầm Sơn không xa lạ với hầu hết người dân khu vực miền Bắc, có những người đến từ rất lâu trước đây, có những du khách năm nào cũng tới, nhưng sự “thay da đổi thịt” của thành phố này trong 10 năm qua là điều không ai có thể phủ nhận.

Sầm Sơn đã rất khác, từ những nét hoang sơ vốn có của một thị xã biển làm du lịch với con đường thưa thớt những khách sạn; những chiếc thuyền thúng úp đều trên bãi cát... khi người ta đến chỉ để chụp ảnh với tảng đá mang tên Hòn Trống Mái, hay tiện ghé thăm đền Độc Cước trong hành trình 1-2 ngày du lịch hè. Giờ đây, Sầm Sơn được nối thẳng với Tp.Thanh Hóa qua quốc lộ 1A, du khách được trải nghiệm trong công viên nước 6.000 tỷ đồng, quảng trường biển được ví như “góc Singapore tại Việt Nam”, nghỉ dưỡng ở những khách sạn sang trọng, tiện nghi của các tập đoàn BĐS lớn như FLC đón đầu xu hướng ngay từ năm 2015 hay SunGroup với “chiến dịch đánh bắt xa bờ" trong năm 2024…

Khi doanh nghiệp BĐS “đánh bắt xa bờ": Tăng cường “giá trị thặng dư" cho kinh tế địa phương- Ảnh 1.

Dự án FLC Sầm Sơn giúp thành phố này "thay da đổi thịt".

Trao đổi với Người Đưa Tin về những kết quả đạt được của du lịch Sầm Sơn, ông Lê Văn Tú, Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn cho biết, những năm qua, với mục tiêu đa dạng, phong phú các loại hình vui chơi giải trí, thu hút du khách và kéo dài thời gian hoạt động du lịch từ 1 mùa thành 4 mùa, thành phố Sầm Sơn đã chú trọng và tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, nghệ thuật độc đáo, ấn tượng…

Đặc biệt, với mục tiêu xây dựng và phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, mang tính chuyên nghiệp dài hơi, địa phương này cũng đã tập trung thu hút phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội gắn với phát triển thành phố thông minh, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế và xã hội số.

Và không thể phủ nhận, ông Lê Văn Tú nói: “Ngoài lợi thế tự nhiên, Sầm Sơn những năm qua liên tục đưa vào các hạng mục mới như không gian quảng trường biển, công trình nhạc nước, xây dựng chuyên nghiệp tuyến phố đi bộ, công viên nước, hệ thống lưu trú 5 sao... từ sự đầu tư của địa phương và các nhà đầu tư lớn như FLC, SunGroup, Văn Phú Invest... đã làm đa dạng sản phẩm du lịch”.

Những giá trị thặng dư

Có thể nói, việc các tập đoàn bất động sản lựa chọn chiến lược kinh doanh, trước hết là giải bài toán lợi nhuận của doanh nghiệp. Song song với đó, các địa phương cũng đã nhận về không ít những “giá trị thặng dư" cả vô hình và hữu hình, giúp cho kinh tế địa phương “lột xác", đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển của toàn tỉnh.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, xu hướng tìm kiếm tại các thị trường tỉnh tăng lên rõ rệt trong các năm gần đây. Đơn cử tại Quy Nhơn, so với quý I, lượng tìm kiếm trong quý II/2024 đã tăng 30%.

Nhận định về làn sóng hình thành các thị trường mới, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết, nghiên cứu của Batdongsan.com.vn cho thấy, từ năm 2018, sau một giai đoạn phát triển nóng, các thị trường trọng điểm như Hà Nội, Tp.HCM có dấu hiệu “chững” nguồn cung mới do các cơ quan chức năng chặt chẽ hơn trong việc cấp phép dự án và động thái siết chặt nguồn vốn vào bất động sản từ phía ngân hàng.

Thế nhưng cũng trong khoảng thời gian này, tại những thị trường mới có đặc điểm là giáp ranh đô thị trung tâm, thu hút mạnh FDI hoặc có lợi thế về đường bờ biển, cảnh quan thiên nhiên vẫn đón sự ra đời của nhiều dự án bất động sản.

Một điểm chung khác là những thị trường mới này chưa có nhiều sự đầu tư về cơ sở hạ tầng. Do đó, sự xuất hiện của một số tập đoàn lớn với những dự án quy mô dẫn đến mặt bằng giá cũng như giao dịch bất động sản tại các khu vực tăng lên.

Số lượng lớn môi giới tại các đô thị lớn cũng theo các dự án đổ về những thị trường này, xác lập sân chơi mới cho thị trường bất động sản.

“Cơ hội sẽ dành cho người thức thời nhất”, ông Quốc Anh nói.

Khi có sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, việc di chuyển trở nên dễ dàng, thuận tiện khiến lượng người quan tâm bất động sản khu vực đó ngày càng nhiều hơn.

Theo sự quan sát của ông, ở các tỉnh, nếu được đầu tư lớn về hạ tầng cơ bản kèm theo sự xuất hiện của một số tập đoàn lớn sẽ khiến thị trường nhà đất nóng lên, xác lập sân chơi bất động sản mới cho các nhà đầu tư.

Khi doanh nghiệp BĐS “đánh bắt xa bờ": Tăng cường “giá trị thặng dư" cho kinh tế địa phương- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn.

Không chỉ giúp địa phương thiết lập được mặt bằng giá mới, khiến thị trường bất động sản trở nên sôi động mà xu hướng dịch chuyển đầu tư bất động sản của các doanh nghiệp còn đem lại rất nhiều lợi ích cho địa phương.

Thứ nhất, các doanh nghiệp khi đến phát triển dự án tại các địa phương thường sẽ đầu tư cả vào giao thông, hạ tầng… xung quanh dự án. Điều này góp phần hoàn thiện cảnh quan, bộ mặt, tiện ích của tỉnh.

Điển hình có thể kể đến một trong những dự án đầu tư du lịch gây ấn tượng mạnh mẽ tại Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung, đó là Dự án Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quy Nhơn.

Bên cạnh việc xây dựng dự án để phục vụ kinh doanh, Tập đoàn FLC đã góp phần rất lớn trong việc hoàn thiện, chỉnh trang lại hạ tầng khu vực này, được đánh giá là một trong những dự án “đột phá xây dựng hạ tầng du lịch” thời điểm bấy giờ và giúp “biến cát thành vàng” tại tỉnh Bình Định.

Khi doanh nghiệp BĐS “đánh bắt xa bờ": Tăng cường “giá trị thặng dư" cho kinh tế địa phương- Ảnh 3.

FLC Quy Nhơn góp phần lớn khai phá tiềm năng, chỉnh trang hạ tầng của tỉnh Bình Định.

Thứ hai, đối với các dự án du lịch nghỉ dưỡng, việc các doanh nghiệp bất động sản lựa chọn đầu tư xây dựng cũng giúp các tỉnh khai phá tiềm năng bị bỏ quên hoặc chưa được quan tâm đầy đủ. Qua đó còn góp phần thu hút thêm lượng khách du lịch dồi dào, đóng góp thêm vào nguồn thu của tỉnh.

Thứ ba, việc đầu tư xây dựng các dự án bất động sản quy mô lớn thời gian sẽ kéo dài, từ đó giúp tạo công ăn việc làm cho đại đa số người dân sinh sống xung quanh; chưa kể cũng kích cầu các hoạt động giao thương, buôn bán tại các khu vực lân cận.

Cuối cùng, việc thu hút đầu tư cũng tạo ra mối liên kết vùng, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những dự án bất động sản sau khi đi vào hoạt động sẽ trực tiếp góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tại khu vực đó.

Khánh Linh

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/khi-doanh-nghiep-bds-danh-bat-xa-bo-tang-cuong-gia-tri-thang-du-cho-kinh-te-dia-phuong-a33471.html