Đây là một sự kiện quan trọng trong khuôn khổ chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" năm 2024 do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tổ chức.
Trước đó, vào năm 2016, Hội nghị quốc tế PASCOS - Hạt, dây và Vũ trụ học lần thứ 22 cũng đã được tổ chức thành công tại Quy Nhơn với sự tham gia của GS. Takaaki Kajita (Nhật Bản) - nhà khoa học từng đạt giải Nobel Vật lý năm 2015.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học cơ bản
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm phát triển các ngành khoa học cơ bản. Các chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản trong nhiều lĩnh vực đã được triển khai từ nhiều năm nay.
Từ năm 2009, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted) luôn ưu tiên dành phần lớn kinh phí tài trợ các đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản, đồng hành hỗ trợ các nhà khoa học thực hiện và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học cơ bản.
Các chương trình phát triển khoa học cơ bản cấp quốc gia, trong đó bao gồm Chương trình phát triển Vật lý đã được thực hiện liên tục từ năm 2016, với các hướng ưu tiên nghiên cứu cơ bản về vật lý trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: Vật lý lý thuyết và tính toán, vật lý các chất đậm đặc, quang lượng tử, vật lý hạt nhân…
Đồng thời, Chương trình cũng đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng như quan trắc xử lý môi trường, khoa học vật liệu…
Ngoài ra, ứng dụng các phương pháp, kỹ thuật vật lý trong các đề tài nghiên cứu thuộc các chương trình KH&CN cấp Quốc gia trong thời gian qua đã gia tăng và đạt nhiều kết quả tốt, có thể kể tới như: Ứng dụng hạt nhân trong công nghiệp, ứng dụng vật lý-kỹ thuật hạt nhân trong môi trường, ứng dụng đồng vị phóng xạ trong ngành thủy văn, trong xác định tuổi mẫu vật; ứng dụng vật lý trong y khoa…
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Việt Nam đang tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản hướng đến các kết quả nghiên cứu xuất sắc, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững đất nước cũng như đóng góp chung vào kho tàng tri thức của nhân loại.
Bên cạnh việc đẩy mạnh nuôi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học cơ bản, từng bước tăng cường đầu tư cho hạ tầng nghiên cứu KH&CN, tăng cường tài trợ cho các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN, một trong số những giải pháp quan trọng Chính phủ Việt Nam, Bộ KH&CN luôn quan tâm, ưu tiên là tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế.
Việc hợp tác quốc tế thực hiện thông qua trao đổi khoa học, tổ chức các nhiệm vụ nghiên cứu chung giữa nhà khoa học Việt Nam và quốc tế; tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế lớn, thu hút các nhà khoa học xuất sắc đến thực hiện nghiên cứu và trình bày các báo cáo khoa học tại Việt Nam ở tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có khoa học vật lý.
Theo xếp hạng của Tổ chức xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học Scimago, dựa trên số lượng bài báo quốc tế trong lĩnh vực Vật lý và Thiên văn học của các quốc gia, Việt Nam đã vươn lên từ vị trí thứ 60 năm 2013, lên vị trí thứ 46 vào năm 2023. Việt Nam cũng đã có một Trung tâm Vật lý quốc tế được UNESCO công nhận và bảo trợ từ năm 2018.
Để có được những thành tựu trên, bên cạnh các chính sách, Bộ KH&CN luôn ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, những đóng góp vô cùng quan trọng của các nhà khoa học trong và ngoài nước, cũng như hoạt động của Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành và Hội Gặp gỡ Việt Nam đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam.
Trong đó, Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành đã và đang thực hiện rất tốt sứ mệnh của mình, đó là nơi phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế, mang lại cơ hội cho các thế hệ trẻ Việt Nam nâng cao trình độ hiểu biết của mình thông qua việc tham dự các cuộc gặp gỡ và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp quốc tế có trình độ cao.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cũng bày tỏ mong muốn, sau Hội nghị này, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ quay trở lại Bình Định, không chỉ để tham dự các cuộc gặp gỡ khoa học mà còn hỗ trợ, giúp đỡ Bình Định phát triển khoa học, giáo dục và các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác để Bình Định thực sự trở thành một điển hình phát triển bền vững dựa trên nền tảng KH&CN.
Đánh giá ICSE là một địa điểm quan trọng đánh dấu mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia Pháp và Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết, mối quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học trong ba thập kỷ qua đã chứng kiến sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả.
Trong đó, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) là một đối tác quan trọng trong mối quan hệ này, với hơn 200 dự án trao đổi khoa học giữa các nhà khoa học Pháp và Việt Nam mỗi năm, trải dài từ sinh thái học nhiệt đới đến toán học và vật liệu composite.
Ngoài ra, Pháp còn có các tổ chức nghiên cứu có mặt thường xuyên tại Việt Nam như Viện Nghiên cứu và Phát triển Pháp (IRD). IRD hợp tác chặt chẽ với hàng chục nhà khoa học Pháp và Việt Nam về các chủ đề cấp thiết và quan trọng như hải dương học, chống kháng thuốc và nhiều lĩnh vực liên quan đến phát triển.
Hay CIRAD - một tổ chức nghiên cứu nông học, gắn bó mật thiết với các nhà nghiên cứu Việt Nam để tìm kiếm các giải pháp sinh thái nông nghiệp giúp Việt Nam tiếp tục phát triển đồng thời bảo tồn đa dạng sinh học…
Đại sứ Olivier Brochet cũng nhấn mạnh khoa học là một trong những lĩnh vực có sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ nhất vì nó đòi hỏi sự huy động không chỉ các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới mà còn cả các nguồn lực đáng kể từ các quốc gia.
Hội nghị Pascos “Hạt, Dây và Vũ trụ học lần thứ 29” sẽ kéo dài đến hết ngày 13/7 để các nhà khoa học uy tín cập nhật kết quả nghiên cứu, các khám phá mới nhất về vật lí hạt cơ bản, vũ trụ học và tiếp tục củng cố sự hợp tác cho nghiên cứu, giáo dục giữa các nhà khoa học giữa các quốc gia.
Hoàng Giang
Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/hon-100-nha-khoa-hoc-gap-go-tai-quy-nhon-de-chia-se-ve-vat-li-vu-tru-hoc-a33219.html