Chữ tín trong liên kết, chuyển giao khoa học công nghệ
Một trong những yếu tố then chốt để phát triển khoa học công nghệ là chuyển giao sản phẩm từ nghiên cứu đến thực tiễn sản xuất. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho các chương trình đào tạo và chuyển giao công nghệ sẽ giúp nâng cao trình độ chuyên môn của người lao động và tăng cường khả năng ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất.
Đây là ý kiến của ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ThaiBinh Seed đưa ra tại “Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân”.
Theo ông Báo, để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và các bên liên quan trong chuỗi giá trị lúa gạo, cần cơ chế rõ ràng trong chuyển nhượng sản phẩm khoa học từ Nhà nước đến doanh nghiệp.
“Bên cạnh đó, cần có cơ chế cụ thể và minh bạch để thúc đẩy quá trình chuyển giao này, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng các kết quả nghiên cứu nhanh chóng, hiệu quả”, Chủ tịch ThaiBinh Seed chia sẻ.
Ngoài ra, cơ chế tài chính hiện nay còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới. Ông Báo đề nghị cần có những cải cách và điều chỉnh cơ chế tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Theo ông Võ Đại Hải - Giám đốc Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam, muốn kết nối sản phẩm khoa học công nghệ tốt, cần phải có nhiều sản phẩm tốt, mới. Để làm được điều này, Bộ NN&PTNT đã liên tục đổi mới khâu xác định xây dựng nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó, các nhà khoa học, quản lý, đề xuất các nhiệm vụ và có sự tham gia của doanh nghiệp trong đề xuất kiến nghị.
Ông Hải cho rằng: “Muốn kết nối, chuyển giao khoa học công nghệ, công tác truyền thông cần thực hiện tốt. Ông cũng đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ để số hóa các sản phẩm khoa học công nghệ để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn”.
Đồng thời, cần thay đổi cách tiếp cận, doanh nghiệp tìm đến các nhà khoa học và ở nhiều ngược lại, các nhà khoa học cũng cần tìm đến các doanh nghiệp để thúc đẩy khoa học công nghệ. Cuối cùng là trong hợp tác, liên kết chuyển giao khoa học công nghệ cần đặt chữ tín lên hàng đầu.
"Đừng chờ đợi, đừng bị động"
Sau khi lắng nghe ý kiến của các diễn giả, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Sản phẩm của chúng ta hôm nay, thì ngày mai có người làm tốt hơn thì sao? Nãy giờ tôi lướt web hàng loạt viện, không thấy viện nào đưa lên các sản phẩm. Thị trường là đi quảng cáo. Sản phẩm mới ra đời, mà không làm rần rần lên sao được. Đừng chờ đợi, đừng bị động”.
Con người ngày nay bị chi phối bởi vô số thông tin, nếu không truyền thông tốt, thì người ta không biết tới sản phẩm của mình. Doanh nghiệp cần thành lập bộ phận truyền thông, thông tin đến khách hàng, đến doanh nghiệp khác.
"Hôm trước, chị Thành Thực (bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch CTCP Đầu tư BAGICO) gửi cho tôi một cái bao tay, để cho phụ nữ cắt ớt. Tôi chợt nhớ đến ở quê tôi, mấy chị phụ nữ bấm ớt bằng tay phải có mấy xô nước để cạnh. Khoa học có những cái cao siêu, nhưng cũng có những cái nho nhỏ giúp ích cho hàng triệu phụ nữ", ông Hoan bộc bạch.
Một sản phẩm thế thôi, giúp cho biết bao người từ Lào Cai đến tận miền Nam. Tôi muốn khuyến khích các viện nghiên cứu về giải pháp hữu ích. Hãy nghĩ tới bà con nông dân, nghĩ làm sao cho họ bớt vất vả. “Đó cũng là gợi ý với các nhà khoa học, hãy bước ra gặp nông dân, nghe họ nói thôi cũng có vô số ý tưởng”, ông Hoan nói.
Với mục đích cốt lõi là nâng cao thu nhập cho nông dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói cần hợp tác để kết nối, và hiểu đúng khái niệm thị trường khoa học công nghệ.
“Thị trường là nơi gặp gỡ giữa cung và cầu. Người ta nói trăm người bán vạn người mua mới ra cái chợ, chứ không phải có vài ba ông là thành chợ. Thị trường thì sẽ có cạnh tranh, tạo ra động lực cho việc làm tốt hơn. Sản phẩm không tốt sẽ bị thải loại”, Bộ trưởng lưu ý.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, sự thải loại của thị trường sẽ là sự cải tiến trong mọi mặt. Doanh nghiệp có quyền lựa chọn nhiều Viện nghiên cứu, ngược lại Viện nghiên cứu cũng có quyền lựa chọn nhiều doanh nghiệp. Đó là cung cầu. Nếu chỉ dừng ở liên kết, thì khó đi xa.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắn nhủ: Đừng nghĩ chúng ta là nhà khoa học, rồi thì doanh nghiệp này nhỏ, doanh nghiệp kia siêu nhỏ, chúng ta không gặp. Không phải thế, chúng ta ngồi ở đây làm quốc sự, giúp cho nông dân và ngành nông nghiệp đi lên. Doanh nghiệp chính là yếu tố giúp khoa học hiểu thị trường cần gì, nghiên cứu gì.
Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/bo-truong-le-minh-hoan-cac-nha-khoa-hoc-hay-buoc-ra-gap-nong-dan-a33033.html