Từ tháng 11/2023 đến nay, Công ty Cổ phần Phú Tài (HoSE: PTB) đã liên tục thông báo về việc dừng hoạt động loạt nhà máy, xí nghiệp sản xuất đá - một trong những mảng kinh doanh chủ lực của công ty. Lý do được Phú Tài đưa ra là nhằm tái cơ cấu hệ thống.
Sau khi đóng cửa Nhà máy chế biến đá ốp tỉnh Đồng Nai, Nhà máy chế biến đá Granite tại tỉnh Khánh Hòa, Xí nghiệp khai thác đá (Đắk Nông); chi nhánh Nhà máy chế biến đá ốp lát Diên Tân (Khánh Hòa); chi nhánh Nhà máy chế biến đá Bazan, Granite (Đắk Nông), tính đến cuối tháng 3/2024, Phú Tài hiện còn sở hữu 18 công ty con, 3 công ty liên kết và 13 đơn vị trực thuộc.
Sau khi liên tục “khai tử” loạt chi nhánh, nhà xưởng, tình hình kinh doanh của Phú Tài trong thời gian qua là câu chuyện nhận được nhiều quan tâm.
Giai đoạn từ sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán, Phú Tài ghi nhận tình hình kinh doanh tăng trưởng đều qua các năm. Liên tiếp trong 10 năm kể từ 2011-2020, lợi nhuận của Phú Tài liên tiếp tăng trưởng. Theo đó, năm 2020, Phú Tài báo lãi 379 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với năm 2011.
Bước sang năm 2021, Phú Tài lập kỷ lục lợi nhuận với 525 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Qua đỉnh lợi nhuận, năm 2022, lợi nhuận của Phú Tài ghi nhận tín hiệu sụt giảm nhẹ, xuống còn 502 tỷ đồng, trước đà giảm sâu.
Theo đó, năm 2023, Phú Tài đã trích lập dự phòng 42,6 tỷ đồng cho khoản phải thu 60,94 tỷ đồng khoản phải thu với Noble House, tương ứng tỉ lệ trích lập dự phòng là 70% tổng khoản phải thu. Do đó, lợi nhuận của Phú Tài giảm mạnh xuống còn 259 tỷ đồng, “bốc hơi" tới 48%.
Liên quan đến việc đối tác Noble House Home Furniture LLC - đối tác của Phú Tài phá sản ghi còn nợ công ty gần 80 tỷ đồng, trong thông báo gửi cổ đông, Phú Tài cho biết, Noble House là khách hàng của công ty, chiếm tỉ lệ nhỏ (dưới 5%) trong tổng doanh thu xuất khẩu tại thị trường Mỹ.
Theo Phú Tài, Noble House vẫn đang liên hệ đặt hàng với công ty nhằm duy trì hoạt động kinh doanh thường xuyên và thực hiện thanh toán theo quyết định của Tòa án. Tình hình xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Mỹ của công ty đang phục hồi với tốc độ nhanh. Đơn hàng của các khách hàng Phú Tài xuất khẩu sang thị trường này vẫn duy trì ổn định và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.
Quý I/2024, doanh thu thuần của Phú Tài đạt 1.437 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ bán các sản phẩm gỗ quý I/2024 tăng 22% lên 903 tỷ đồng, chiếm 63%. Ngoài ra, doanh thu bán các sản phẩm đá đạt 391 tỷ đồng; doanh thu bán xe ô tô Toyota giảm 53% còn 107 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính trong quý I/2024 tăng gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm 2023 nhờ các khoản lãi tiền gửi, chênh lệch tỉ giá và lãi bán chứng khoán kinh doanh tăng so với cùng kỳ.
Kết quả, Phú Tài báo sau thuế đạt gần 90 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Theo công ty giải trình, kết quả kinh doanh tích cực đến từ sự phục hồi của doanh thu bán đá và gỗ. Bên cạnh đó, sự suy giảm của chi phí tài chính, cùng với khoản lãi chênh lệch tỉ giá cũng góp phần vào bức tranh tích cực.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PTB có giá 72.300 đồng, giảm 6% so với ngưỡng đỉnh 77.000 đồng/cổ phiếu được lập vào giữa tháng 6/2024.
Đáng chú ý, Phú Tài là doanh nghiệp có truyền thống trả cổ tức đều đặn hàng năm với đỉnh điểm năm 2018 với tỉ lệ 32%. Năm 2023, Phú Tài trả cổ tức cho cổ đông công ty với tỉ lệ 25%, tương ứng mức chi hơn 167 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3/2024, cơ cấu cổ đông của Phú Tài gồm gia đình Chủ tịch HĐQT Lê Vỹ sở hữu 22,7% vốn, thu về khoảng khoảng 38 tỷ đồng cổ tức. Trong đó ông Lê Vỹ sở hữu riêng 13,3% và em trai là ông Lê Văn Lộc - Thành viên HĐQT nắm 6,1%.
Bên cạnh đó, ông Lê Văn Thảo - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc nắm giữ 8,7% và ông Nguyễn Sỹ Hòe - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc nắm 6,2%, lần lượt nhận về 14,5 tỷ đồng và 10,5 tỷ đồng.
Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/sau-khi-khai-tu-loat-nha-may-phu-tai-kinh-doanh-ra-sao-a32203.html