Bến Tre: Tạo điều kiện để phát triển KH&CN đồng bộ, bền vững, hiện đại

(Chinhphu.vn) - Lãnh đạo tỉnh Bến Tre sẽ luôn đồng hành cùng các nhà khoa học, luôn tạo điều kiện về mọi mặt để ngành KH&CN phát triển một cách tốt nhất, đồng bộ, bền vững và hiện đại.

Đó là khẳng định của ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre tại Hội nghị giao ban KH&CN vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ 27 diễn ra tại Bến Tre, ngày 14/6.

KH&CN đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương

Ông Trần Ngọc Tam cho biết, những năm gần đây, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế của từng địa phương thì vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Bến Tre vẫn phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (triều cường, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan, sạt lở bờ sông...), giá cả và thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng nông sản thiếu ổn định... Nhưng với phương châm "Dân chủ-Kỷ cương-Đồng thuận-Sáng tạo-Phát triển" và sự nỗ lực phấn đấu, các cấp ủy, tổ chức đảng năm 2023 tỉnh Bến Tre đã đạt và vượt 15/24 chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy. Trong đó, các chỉ tiêu cơ bản như thu ngân sách, GRDP bình quân đầu người, lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm, tỉ lệ đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới... đều đạt và vượt so với Nghị quyết. Trong đó, có sự đóng góp của ngành KH&CN, thể hiện qua đóng góp của các nhân tố tổng hợp TFP vào tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) vượt chỉ tiêu và đạt 47%. 

Trong năm 2023, ngành KHCN tỉnh Bến Tre đã thực tốt các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề ra và đã đạt nhiều kết quả ngày càng rõ nét, tích cực và tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong tỉnh, khu vực và cả nước, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể như, những ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến đã góp phần đưa Bến Tre giữ vị trí 7 trong bảng xếp hạng PCI cả nước và đứng thứ 3 ở đồng bằng sông Cửu Long. Tỉ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 37%. Bến Tre có 9 chỉ dẫn địa lý thuộc nhóm đầu của cả nước về bảo hộ Chỉ dẫn địa lý.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, bên cạnh những thành tựu nổi bật nêu trên, Tỉnh ủy và UBND tỉnh cũng hiểu rất rõ những mặt yếu kém đang cản trở sự phát triển của KH&CN tỉnh nhà, trong đó có việc chậm đổi mới tư duy trong quản lý hoạt động KH&CN của một số cơ quan quản lý và ngay trong đội ngũ cán bộ KH&CN; các chính sách cũng thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp và khu vực nghiên cứu, dẫn đến các sản phẩm nghiên cứu bị hạn chế trong thương mại hóa. Ngoài ra, những thách thức to lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị tự phát và mô hình kinh doanh cũ; tình hình thế giới vẫn đang diễn ra phức tạp và khó đoán định …. Do đó, đòi hỏi KH&CN Bến Tre phải có những bứt phá, phát triển mạnh mẽ, tăng cường tiềm lực đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Bến Tre luôn mong muốn được hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như các tỉnh bạn về lĩnh vực khoa học và công nghệ nói riêng cũng như các lĩnh vực khác nói chung để giải quyết những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra và phát huy lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long để thúc đẩy sự phát triển chung của vùng, góp phần phát triển sự nghiệp KH&CN, phát triển kinh tế đất nước.

"Đối với Bến Tre, lãnh đạo tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng các nhà khoa học, luôn tạo điều kiện về mọi mặt để ngành KH&CN phát triển một cách tốt nhất, đồng bộ, bền vững và hiện đại", ông Trần Ngọc Tam khẳng định.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ KH&CN và UBND tỉnh Bến Tre đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2024-2030.

Theo đó, Bộ KH&CN sẽ hỗ tỉnh Bến Tre triển khai hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, nhiệm vụ KH&CN cấp thiết địa phương như: Xử lý nước mặn; giải pháp thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng cơ sở dữ liệu đất nông nghiệp; tạo sản phẩm mới từ dừa; xử lý phế phụ phẩm trong nông nghiệp; công nghệ bảo quản nông sản; công nghệ thông minh giám sát trực tuyến vùng sản xuất nông nghiệp; công nghệ sản xuất sản phẩm tái chế không gia nhiệt từ rác thải nhựa; phục dựng, lưu giữ bộ xương cá voi...

Cục Sở hữu trí tuệ cũng phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Bến Tre công bố tạo lập, bảo hộ xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho 7 sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre, bao gồm: Sầu riêng, tôm càng xanh, xoài tứ quý, cua biển, chôm chôm, gạo và nghêu.

Nhật Thy


Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/ben-tre-tao-dieu-kien-de-phat-trien-khcn-dong-bo-ben-vung-hien-dai-a30876.html