Sáng 24/10, chúng tôi có mặt tại Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển nối Hải Phòng với Thái Bình (Dự án đường ven biển Hải Phòng). Đây là một trong số nhiều dự án nghìn tỷ được đầu tư xây dựng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Tp.Hải Phòng cũng như thúc đẩy giao thương nội vùng và liên vùng.
Theo thông tin từ UBND Tp.Hải Phòng, Dự án đường ven biển Hải Phòng có tổng chiều dài gần 30 km, trong đó đoạn đi qua Tp.Hải Phòng dài gần 21 km, gần 9 km đi qua địa phận tỉnh Thái Bình. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án hơn 3.400 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (BOT).
Trong đó, có 720 tỷ đồng là vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án lấy từ nguốn vốn trái phiếu Chính phủ dùng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn Tp.Hải Phòng. Còn lại, là vốn của chủ đầu tư và vốn vay. Dự án thu hồi vốn thông qua thu phí dự kiến 23 năm.
Chủ đầu tư Dự án đường bộ ven biển Hải Phòng là Liên danh giữa Tổng công ty Xây dựng Số 1- CTCP (CC1) và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bùi Vũ. Doanh nghiệp được chủ đầu tư giao trực tiếp quản lý, triển khai thực hiện dự án là Công ty TNHH Đầu tư đường ven biển Hải Phòng.
Dự án được khởi công ngày 13/5/2017, dự kiến hoàn thành trong năm 2019. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn liên quan đến vật liệu san lấp, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nguồn vốn của chủ đầu tư, nên dự án không thể "về đích" đúng hẹn.
Sau nhiều lần điều chỉnh tiến độ, “hạn cuối” được đưa ra là hoàn thành trong tháng 6/2023. Cùng với đó, vốn đầu tư cũng tăng lên mức gần 3.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10/2023, dự án vẫn trong tình trạng dở dang, nhiều hạng mục "đắp chiếu" hoặc thi công cầm chừng.
Theo quan sát của chúng tôi, đoạn từ nút giao với Đường tỉnh 353 trên địa bàn quận Đồ Sơn đến cầu vượt sông Văn Úc trên địa bàn huyện Kiến Thụy (cùng Tp.Hải Phòng), sau khi hoàn thành trải đá dăm mặt đường, một số đoạn đã trải nhựa asphalt, lắp đặt hệ thống đèn đường, đơn vị thi công đã rút toàn bộ nhân công và máy móc.
Cầu vượt sông Văn Úc kết nối huyện Tiên Lãng và huyện Kiến Thụy (cùng Tp.Hải Phòng), một trong hai cây cầu lớn trên toàn tuyến với tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, mặc dù đã hoàn thành nhưng chưa được đưa vào sử dụng bởi tuyến đường chưa hoàn thành. Để ngăn phương tiện giao thông qua lại, đơn vị thi công dựng những những thanh bê tông lớn chặn hai phía đầu cầu.
Đoạn qua địa phận huyện Tiên Lãng, Tp.Hải Phòng, nhà thầu thi công đang tiến hành làm cốt đường. Tuy nhiên, phần lớn trong trạng thái “đắp chiếu”, còn lại thi công cầm chừng. Theo thông tin từ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, nguyên nhân của tình trạng này là do khan hiếm nguồn cung cát san lấp.
Trong khi đó, cây cầu vượt sông Thái Bình nối huyện Tiên Lãng (Tp.Hải Phòng) với huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) cũng cùng cảnh ngộ . Hiện nhà thầu thi công vừa làm, vừa ngóng sự thay đổi, điều chỉnh của toàn dự án, nên tiến độ rất chậm.
Trước tình trạng Dự án đường bộ ven biển Hải Phòng chậm tiến độ, người dân sinh sống khu vực gần dự án rất sốt ruột và lo lắng. Trao đổi với Người Đưa Tin, anh Lâu, ở xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, chia sẻ: “Hơn 6 năm qua, người dân chúng tôi "dài cổ" ngóng dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng để giao thông thuận tiện hơn cũng như tạo điều kiện cho tiêu thụ nông sản, thúc đẩy phát triển - kinh tế xã hội địa phương”.
Chung quanh việc Dự án đường bộ ven biển Hải Phòng chậm tiến độ, thi công cầm chừng, nhiều đoạn “đắp chiếu” dài ngày, theo thông tin từ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, hiện giá trị thi công của dự án mới đạt hơn 70% tổng giá trị xây lắp theo hợp đồng. Theo tiến độ hiện tại, dự án sẽ khó có thể hoàn thành trong năm 2023.
Nguyên nhân của tình trạng dự án chậm tiến độ do khan hiếm nguồn cung cát san lấp để làm cốt nền đường. Do khan hiếm, đến nay, giá cát san lấp tăng khoảng 2,5 lần so thời điểm dự án được phê duyệt. Bên cạnh đó, giá thép và lãi suất khoản vốn vay để thực hiện dự án cũng tăng cao khiến nhà thầu thi công gặp khó.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp Dự án đường bộ ven biển Hải Phòng sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông, thúc đẩy giao thương nội vùng và liên vùng, hiện UBND Tp.Hải Phòng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp chủ đầu tư, nhà thầu thi công thực hiện các quy trình, thủ tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và giải quyết, nhất là điều chỉnh lãi suất vốn vay.
Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/hai-phong-nguoi-dan-mong-ngong-du-an-giao-thong-3800-ty-a308.html