Hồi sinh “Báo đốm” Leopard với tháp pháo phòng không Skyranger 35

Những chú “Báo đốm” Leopard đời đầu đã nằm “phủ bụi” trong nhà kho và chỉ được đưa trở lại tuyến đầu kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát.

Gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng Rheinmetall của Đức đang tính hồi sinh xe tăng Leopard 1 từ thời Chiến tranh Lạnh bằng cách thay thế tháp pháo nguyên bản với hệ thống phòng không tầm ngắn Skyranger 35, biến những chú “Báo đốm” của mình thành những vũ khí có tính cơ động cao trước một loạt các mối đe dọa trên không.

Sáng kiến này được thúc đẩy bởi nhu cầu khổng lồ của Ukraine về hệ thống phòng không trên bộ trong bối cảnh xung đột với Nga vẫn tiếp diễn. Leopard 1 vốn là xe tăng chiến đấu chủ lực của Quân đội Đức vào những năm 1960-1970 trước khi bị thay thế bởi Leopard 2 tiên tiến hơn.

Những chú “Báo đốm” đời đầu đã nằm “phủ bụi” trong nhà kho và chỉ được đưa trở lại tuyến đầu kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Kế hoạch cải tiến Leopard 1 với tháp pháo Skyranger 35 hé lộ nhu cầu gia tăng trở lại đối với các hệ thống phòng không tầm ngắn (SHORADS), đặc biệt là khi mối đe dọa từ máy bay không người lái (UAV/drone) tiếp tục gia tăng trên toàn cầu.

Công nghệ - Hồi sinh “Báo đốm” Leopard với tháp pháo phòng không Skyranger 35

Một chiếc xe tăng Leopard 1A5 của Quân đội Đức (Bundeswehr). Ảnh: TWZ

Kế hoạch kết hợp Leopard 1 với Skyranger 35 được ông Björn Bernhard, người đứng đầu bộ phận về vũ khí bộ binh tại Rheinmetall, công bố tại triển lãm quốc phòng Eurosatory diễn ra ở ngoại ô thủ đô Paris (Pháp) tuần qua.

“Vẫn còn rất nhiều xe tăng chiến đấu Leopard 1 mà chúng tôi có thể lắp đặt tháp pháo Skyranger với pháo 35 mm trên khung gầm bánh xích này”, ông Bernhard nói với tờ Bild của Đức.

Trong khi “Báo đốm” Leopard 1/Skyranger 35 nhắm thẳng vào yêu cầu phòng không của Ukraine, ông Bernhard lưu ý rằng nỗ lực sửa đổi hiện chỉ là ưu tiên thứ yếu so với công việc Rheinmetall tiếp tục tân trang xe tăng Leopard 1 tiêu chuẩn cho Ukraine.

Việc chuyển đổi SHORADS của xe tăng Leopard 1 vẫn là một dự án thử nghiệm ở giai đoạn này, nhưng nó có thể là một khả năng hấp dẫn đối với Ukraine.

Trọng tâm của phiên bản Skyranger 35 mới nhất là pháo ổ quay 35 mm được phát triển bởi công ty Oerlikon của Thụy Sĩ, một trong những loại súng phòng không được sử dụng rộng rãi nhất.

Thiết kế module của tháp pháo Skyranger 35 có nghĩa là nó có thể được trang bị nhiều loại cảm biến khác nhau để phát hiện và tấn công các mối đe dọa trên không, với các tùy chọn bao gồm radar quét mảng điện tử chủ động (AESA), gói quang học và hệ thống phát hiện tần số vô tuyến thụ động.

Mặc dù có khả năng hoạt động hoàn toàn độc lập, Skyranger 35 có thể được tích hợp với mạng lưới phòng không rộng hơn thông qua kiến trúc chỉ huy và điều khiển Skymaster, bao gồm các thành phần liên kết dữ liệu và nhận dạng bạn hay thù (IFF).

Skyranger 35 sử dụng radar đa năng AMMR hoạt động ở băng tần S, được trang bị 5 ăng-ten để cung cấp phạm vi bao phủ 360 độ hoàn chỉnh để phát hiện các mục tiêu nhỏ trên không.

Bản chất module của pháo Skyranger 35 không chỉ dừng lại ở các cảm biến mà còn có các tùy chọn cho các loại vũ khí khác. Ngoài pháo ổ quay 35 mm x 228 KDG cơ bản, tháp pháo tương tự có thể chứa súng 30 mm x 173 KCE, như Skyranger 30.

Trong phiên bản mới nhất, những khẩu súng liên thanh này được trang bị loại đạn nổ trên không AHEAD của Oerlikon, loại đạn này phóng ra một màn đạn phụ ngay phía trước mục tiêu, tăng khả năng tiêu diệt mục tiêu, và khiến nó trở thành vũ khí phù hợp để xử lý các mối đe dọa trên không ở tầm thấp, chậm và nhỏ như UAV, rocket và đạn súng cối. Đạn nổ trên không cũng làm giảm đáng kể nguy cơ thiệt hại phụ trên mặt đất.

Theo Rheinmetall, cỡ nòng 35 mm cung cấp cho loại pháo này khả năng chống lại rocket, đạn súng cối hoặc C-RAM trong phạm vi hiệu quả 2,5 dặm (4 km). Cỡ nòng 30 mm có tầm bắn hiệu quả lên tới 1,8 dặm (2,9 km).

Để mở rộng tầm bắn xa hơn và giải quyết các mối đe dọa khác, tháp pháo được thiết kế để gắn cả tên lửa phòng không tầm ngắn, điển hình là bệ phóng đôi cho tên lửa FIM-92 Stinger hoặc Mistral. Cả hai tên lửa này đều đã được Ukraine sử dụng trên thực địa.

Công nghệ - Hồi sinh “Báo đốm” Leopard với tháp pháo phòng không Skyranger 35 (Hình 2).

Hình dung về cách xe tăng Leopard 1 kết hợp với module phòng không Skyranger. Ảnh: Militarnyi

Công nghệ - Hồi sinh “Báo đốm” Leopard với tháp pháo phòng không Skyranger 35 (Hình 3).

Tháp pháo phòng không Skyranger 35 trên xe tăng Leopard 2 Pz87. Ảnh: X/Twitter

Trong tương lai, Rheinmetall cho biết, tháp pháo Skyranger 35 có thể được tích hợp với các tên lửa phóng thẳng đứng cho vai trò đạn dẫn đường phản chính xác (C-PGM), đồng thời việc tích hợp tia laser năng lượng cao cũng đang được khám phá.

Tại triển lãm quốc phòng Eurosatory, Rheinmetall cũng trưng bày Skyranger 35 tích hợp với xe tăng Leopard 2 (phiên bản kế nhiệm của Leopard 1), trong khi Skyranger 30 được tích hợp với xe chiến đấu bọc thép Boxer 8×8 và xe chiến đấu bọc thép bánh xích Lynx KF41.

Minh Đức (Theo TWZ, Militarnyi)

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/hoi-sinh-bao-dom-leopard-voi-thap-phao-phong-khong-skyranger-35-a30696.html