Doanh nhân vừa bị CQ an ninh yêu cầu rà soát tài sản: Ông chủ của resort 2.500 tỷ, đứng sau 1 ví điện tử, cổ phiếu công ty cũ từng tăng hơn 500%

Ông Lã Quang Bình là Chủ tịch HĐQT của 4 công ty gồm: CTCP Giải pháp thanh toán Điện lực và Viễn thông, CTCP Đầu tư thương mại dịch vụ Điện lực, CTCP Tập đoàn LALUNA và CTCP khách sạn Bến Du Thuyền.

Ông Lã Quang Bình, Chủ tịch HĐQT của 4 pháp nhân vừa bị CQAN điều tra đề nghị rà soát tài sản

Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị phối hợp rà soát tài sản của các tổ chức, cá nhân liên quan phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự “ Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự ” xảy ra tại 2 chi nhánh ngân hàng ở thành phố Hà Nội.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp rà soát, cung cấp thông tin về tài sản, gồm: bất động sản, cổ phần, cổ phiếu… bao gồm cả tài sản thuộc sở hữu, hoặc tài sản của bên thứ ba được thế chấp để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ và quyền tài sản khác phát sinh trên địa bàn tỉnh có liên quan đến 7 cá nhân và 4 pháp nhân.

Trong các cá nhân này có ông Lã Quang Bình, Chủ tịch HĐQT của 4 công ty (4 pháp nhân), gồm: Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Điện lực và Viễn thông (TP. HCM), Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Điện lực (TP. HCM), Công ty cổ phần Tập đoàn LALUNA (TP. HCM) và Công ty cổ phần khách sạn Bến Du Thuyền (Khánh Hòa).

ÔNG CHỦ CỦA NHỮNG DỰ ÁN NGHÌN TỶ

Theo tìm hiểu, ông Lã Quang Bình sinh năm 1979 tại Hà Nội. Ông Bình có trình độ kỹ sư công nghệ thông tin.

Một trong những pháp nhân nổi tiếng do ông Lã Quang Bình làm Chủ tịch đầu tiên phải kể đến CTCP khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel). Pháp nhân này thành lập vào tháng 11/2021 với vốn điều lệ ban đầu 160 tỷ đồng và nâng lên mức 1.250 tỷ đồng vào tháng 6/2022. Ông Bình chính thức trở thành Chủ tịch của Marina Hotel từ năm 2016.

Công ty này được biết đến tại nhiều lĩnh vực như: bất động sản, dịch vụ du lịch, bưu chính viễn thông, thương mại điện tử, xây dựng công trình điện tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Các dự án, công trình công ty đã xây dựng, vận hành và quản lý trong lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng gồm: Cao ốc Peridot (TP HCM), khu khách sạn du lịch nghỉ dưỡng Điện lực (Ninh Thuận), Công viên nước Cần Thơ, Khu dân cư Hoàng Tâm 1 (Cà Mau)…

Doanh nhân vừa bị CQ an ninh yêu cầu rà soát tài sản: Ông chủ của resort 2.500 tỷ, đứng sau 1 ví điện tử, cổ phiếu công ty cũ từng tăng hơn 500% - Ảnh 1.

Dự án nổi tiếng nhất do công ty này làm chủ đầu tư là dự án Trung tâm Bến Du Thuyền Hoàng Gia - Swisstouches Laluna Resort - Khu A, sau đổi tên thành Swisstouches Laluna Resort. Dự án này được xây dựng trên diện tích 1,1 ha tại số 72 đường Nguyễn Cơ Thạch, khu đô thị Vĩnh Hòa, phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Dự án có t ổng mức đầu tư gần 2.421 tỷ đồng , trong đó, VietinBank tham gia tài trợ 750 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vào tháng 8/2022, VietinBank chi nhánh Thành An thông báo bán khoản nợ có tài sản đảm bảo của Marina Hotel để xử lý thu hồi nợ vay. Tổng số dư tín dụng của doanh nghiệp này đến hết ngày 26/7/2022 là 540,18 tỷ đồng. Khoản nợ này được đảm bảo bởi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại chính khu đất có diện tích 5.965,5 m2 hình thành nên dự án Trung tâm bến du thuyền Hoàng Gia - Khu A.

Ngoài công ty nói trên, ông Lã Quang Bình còn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn LALUNA hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản.

Doanh nghiệp này được thành lập tháng 8/2021 với vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất của công ty là bà Nguyễn Thị Phương (mẹ ông Bình) nắm giữ 99% cổ phần và 2 cá nhân Trần Ngọc Thắng, Phùng Hoài Ngọc mỗi người sở hữu 0,5%.

Ông Bình cũng đảm nhận vị trí lãnh đạo cao nhất tại CTCP Giải pháp thanh toán Điện lực và Viễn thông (ECPay) được thành lập theo Nghị quyết 292/NQ-HĐQT của tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) ngày 7/5/2010 với nhiệm vụ ban đầu là xây dựng và quản lý cổng thanh toán tiền điện tập trung của EVN.

Sau đó, đơn vị này phát triển ví điện tử eDong, mở rộng không chỉ thanh toán tiền cước tiền điện của EVN, mà còn là thanh toán cước viễn thông của các nhà khai thác mạng di động tại Việt Nam như Viettel, MobiFone, VinaPhone...

BIẾN ĐỘNG 'KHỦNG' CỦA ECINVEST TRONG NHIỆM KỲ CỦA CHỦ TỊCH HĐQT LÃ QUANG BÌNH

Ông Lã Quang Bình còn từng là Chủ tịch HĐQT một công ty đang giao dịch cổ phiếu trên UPCoM là CTCP Đầu tư thương mại dịch vụ Điện lực (ECInvest, mã chứng khoán: EIN). Ông được bổ nhiệm là Chủ tịch của doanh nghiệp vào tháng 3/2017.

Ông Bình đã xin từ nhiệm chức vụ này vào tháng 3 năm nay, nhưng vẫn hoạt động trong HĐQT của ECInvest. Đến ngày 26/6, ông cũng đã xin từ nhiệm vị chí Thành viên HĐQT công ty này.

ECInvest là chủ sở hữu của khách sạn Du lịch Điện lực tại phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM, khách sạn Du lịch Điện lực Vũng Tàu (số 147 Phan Chu Trinh, phường 12, TP. Vũng Tàu), dự án chung cư cao tầng An Dương Vương - Điện lực (tên thương mại Peridot Building) tại số 226/51 đường An Dương Vương, Phường 16, Quận 8, TP. HCM.

Bên cạnh đó, ECInvest đang triển khai loạt dự án cao ốc văn phòng, khách sạn (tiêu chuẩn 4 - 5 sao), khu du lịch nghỉ dưỡng tại Cần Thơ, Phú Quốc, Ninh Thuận, Nha Trang. Có thể kể đến dự án Khu khách sạn du lịch nghỉ dưỡng Điện lực tại Ninh Thuận; dự án khu nhà vườn Cồn Khương tại An Thới, Cần Thơ; dự án khu nghỉ dưỡng Điện lực tại Khu du lịch Bãi Thơm - Phú Quốc; dự án làng nghề hoa - cây cảnh - cá kiểng và dự án làng vườn và du lịch sinh thái tại huyện Củ Chi, TP. HCM...

Hiện nay, vốn điều lệ của doanh nghiệp này ở mức 454 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Công nghệ và Thiết bị điện Hà Nội đang là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 33% vốn. Còn CTCP Giải pháp Đầu tư Thái Sơn là cổ đông lớn thứ hai khi nắm giữ 20% vốn.

Kết quả kinh doanh của ECInvest trong những năm gần đây cũng kém khả quan khi báo lỗ kể từ năm 2022 cho đến nay.

Doanh nhân vừa bị CQ an ninh yêu cầu rà soát tài sản: Ông chủ của resort 2.500 tỷ, đứng sau 1 ví điện tử, cổ phiếu công ty cũ từng tăng hơn 500% - Ảnh 2.

Tại thời điểm 30/6, ECInvest lỗ lũy kế 14,4 tỷ đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 1.267 tỷ đồng. Trong đó, công ty này đang sử dụng đến 796,3 tỷ đồng để đầu vào CTCP Giải pháp thanh toán Điện lực và Viễn thông (ECPay) vừa nêu ở bên trên.

Trên thị trường, cổ phiếu EIN của ECInvest đã tăng "chóng mặt" tới hơn 500% trong giai đoạn cuối năm 2021. Tuy nhiên, kể từ tháng 4/2022, thị giá mã này đã liên tục lao dốc và chỉ bằng một ly trà đá kể tứ đó đến nay. Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/10, cổ phiếu EIN có giá 4.400 đồng/cp.

Doanh nhân vừa bị CQ an ninh yêu cầu rà soát tài sản: Ông chủ của resort 2.500 tỷ, đứng sau 1 ví điện tử, cổ phiếu công ty cũ từng tăng hơn 500% - Ảnh 3.

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/doanh-nhan-vua-bi-cq-an-ninh-yeu-cau-ra-soat-tai-san-ong-chu-cua-resort-2500-ty-dung-sau-1-vi-dien-tu-co-phieu-cong-ty-cu-tung-tang-hon-500-a305.html