Phát hiện 124.775 địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức

Các đối tượng sử dụng website giả mạo này để lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân trên không gian mạng, đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của chính cơ quan, tổ chức bị giả mạo…

Theo Báo cáo an toàn thông tin mạng Việt Nam tháng 5/2024 vừa được phát đi, trong tháng 5/2024, hệ thống giám sát, cảnh báo sớm rủi ro của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT đã ghi nhận hàng trăm tên miền giả mạo các cơ quan, tổ chức tài chính, các ngân hàng nhằm mục tiêu lừa đảo người dân trên không gian mạng.

Trong tháng 5/2024, Trung tâm NCSC ghi nhận 12 lỗ hổng mới có thể gây ra các nguy cơ Nghiêm Trọng đến hệ thống thông tin. Trung tâm NCSC cũng đã phân tích và công bố danh sách các chỉ báo tấn công mạng (IoC) liên quan đến các chiến dịch tấn công có thể ảnh hưởng đến Việt Nam tại các đơn vị.

Bên cạnh đó, thực hiện công tác kiểm tra, rà soát an toàn thông tin trên không gian mạng, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) đã ghi nhận 124.775 địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức. Các đối tượng sử dụng website giả mạo này để lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân trên không gian mạng, đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của chính cơ quan, tổ chức bị giả mạo. Mục tiêu hướng đến của các đối tượng lừa đảo là lừa đảo người dân thông qua giả mạo các website của cơ quan chức năng, các tổ chức tài chính - ngân hàng, các sàn thương mại điện tử, các công ty lớn...

Phát hiện 124.775 địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức- Ảnh 1.

Danh sách các website lừa đảo được cập nhật tại https://alert.khonggianmang.vn/

Trong tháng 5/2024, hệ thống của NCSC đã phát hiện 71 website giả mạo thương hiệu với mục đích lừa đảo được phát tán trên không gian mạng. Đề nghị các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động rà quét, phát hiện sớm các website lừa đảo giả mạo tổ chức của mình, cảnh báo sớm đến người dùng của mình nhằm ngăn chặn các hoạt động lừa đảo đến người dùng, đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng, bảo vệ chính thương hiệu của tổ chức.

Thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin, tổng hợp, phân tích, theo dõi và dự báo, cảnh báo sớm xu hướng về các hoạt động, diễn biến trên không gian mạng Việt Nam. Trong tháng, Hệ thống giám sát kỹ thuật của NCSC đã ghi nhận có 89.351 điểm yếu, lỗ hổng an toàn thông tin tại các máy chủ, máy trạm, hệ thống thông tin của các cơ quan tổ chức nhà nước. Cũng trong tháng 5/2024, hệ thống giám sát, rà quét từ xa của Trung tâm NCSC đã phát hiện hơn 1600 lỗ hổng trên 5000 hệ thống đang mở công khai trên Internet.

Trung tâm NCSC cũng đã ghi nhận 12 lỗ hổng mới được công bố, có mức độ ảnh hưởng Nghiêm trọng/Cao có thể bị lợi dụng để tấn công, khai thác vào các hệ thống của các cơ quan, tổ chức. Các lỗ hổng này là các lỗ hổng tồn tại trên các sản phẩm phổ biến của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Đề nghị các đơn vị cần thực hiện kiểm tra toàn diện và rà soát hệ thống của mình giúp xác định hệ thống của mình có sử dụng các sản phẩm bị ảnh hưởng bởi các lỗ hổng không, nhanh chóng đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời để bảo vệ an toàn thông tin. Đồng thời, liên tục cập nhật thông tin về các lỗ hổng mới, các xu hướng tấn công trên không gian mạng.

Phát hiện 124.775 địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức- Ảnh 2.

Thực hiện phân tích, theo dõi và dự báo, cảnh báo sớm xu hướng về tấn công mạng, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát hiện xu hướng tấn công mã hóa tống tiền (ransomware) tăng cao trong thời gian gần đây. Đã có một số hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam bị sự cố tấn công, gây gián đoạn hoạt động và thiệt hại về vật chất, hình ảnh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cũng như hoạt động bảo đảm an toàn không gianmạng quốc gia.

Cục An toàn thông tin đã phát hành Công văn số 764/CATTTNCSC ngày 03/5/2024 về việc cảnh báo chiến dịch tấn công mới nhằm vào các thiết bị mạng Cisco; Công văn số 950/CATTT-NCSC ngày 27/5/2024 về việc cảnh báo chiến dịch tấn công sử dụng mã độc RAT để thực hiện hành vi trái phép; Công văn số 995/CATTT-NCSC ngày 31/5/2024 về việc cảnh báo lỗ hổng an toàn thông tin CVE-2024-24919 tồn tại trên các sản phẩm của hãng Check Point.

Trung tâm NCSC đã tiến hành thu thập, phân tích và phát hiện nhiều chỉ báo (Indicators of compromise) về tấn công mạng có thể ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Các đơn vị cần chủ động rà soát các máy chủ, máy trạm, rà soát toàn bộ các hệ thống giám sát theo các chỉ báo mà Trung tâm NCSC cung cấp trong báo cáo nhằm xử lý sớm các rủi ro trong hệ thống, liên tục cập nhật các chỉ báo về tấn công mạng, đặc biệt là các chỉ báo đã được chia sẻ từ hệ thống của Trung tâm NCSC.

Phát hiện 124.775 địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức- Ảnh 3.

Thực hiện việc phân tích và phát hiện sớm các nguy cơ từ bên trong hệ thống, đặc biệt là các nguy cơ máy chủ, máy trạm trong hệ thống nhiễm mã độc, trở thành botnet. Hệ thống giám sát của NCSC đã thực hiện thu thập chia sẻ thông tin về các mối đe dọa trên không gian mạng với các tổ chức quốc tế, giám sát liên tục các mạng lưới botnet.

Theo thống kê, trong tháng 5/2024, Trung tâm NCSC phát hiện 09 hệ thống của các đơn vị có kết nối đến hạ tầng botnet. Trung tâm NCSC đã thực hiện chia sẻ các thông tin botnet này đến các đơn vị thông qua hệ thống phát hiện cảnh báo sớm botnet.

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/phat-hien-124775-dia-chi-website-gia-mao-co-quan-to-chuc-a29546.html