Kazan – tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Yasen-M của Hạm đội phương Bắc đang ghé thăm Havana lần đầu tiên sau 62 năm kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Thông báo của phía Cuba về sự hiện diện của tàu ngầm hạt nhân Kazan ở vùng biển Caribe sát vách Mỹ được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine lên tới cao trào mới, với sự xuất hiện của các khí tài đáng gờm như chiến đấu cơ F-16 và việc Washington và một số chính phủ châu Âu đồng ý cho Kiev tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Theo The Aviationist, Nga dường như đang sử dụng động thái với “siêu thủy quái” này để truyền tải một thông điệp chiến lược tới Mỹ: Nếu Mỹ có thể bao quanh Nga bằng các căn cứ quân sự và liên minh chiến lược, Moscow cũng có thể tăng cường quan hệ chiến lược với các nước xung quanh Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, điều này đang được thực hiện ở mức độ rất “lành tính” và có kiểm soát, The Aviationist – một trong những blog hàng không quân sự nổi tiếng và được truy cập nhiều nhất trên thế giới – nhận định, dẫn chứng bằng việc tàu ngầm Kazan thăm Cuba mà không mang theo vũ khí hạt nhân.
Trong tuyên bố hôm 6/6, Bộ Ngoại giao Cuba cho biết, Kazan và 3 tàu hải quân khác của Nga – gồm tàu khu trục tên lửa Đô đốc Gorshkov, tàu tiếp liệu Pashin và tàu kéo cứu hộ Nikolai Chiker – sẽ cập cảng thủ đô Cuba từ ngày 12-17/6.
“Không có tàu nào chở vũ khí hạt nhân, vì vậy việc các tàu dừng chân ở đất nước chúng tôi không phải là mối đe dọa đối với khu vực”, tuyên bố cho biết thêm.
“Viên ngọc quý”
Lớp Yasen bao gồm một loạt tàu ngầm mang tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân do Cục Kỹ thuật Malakhit thiết kế và chế tạo tại Nhà máy đóng tàu Sevmash (JSC PO/Joint Stock Company Sevmash), một phần của USC (United Shipbuilding Corporation). Đây là nhà sản xuất tàu ngầm hạt nhân duy nhất của “xứ sở Bạch dương”.
Lớp Yasen được xây dựng dựa trên lớp Akula, nhằm thay thế các tàu ngầm tấn công hạt nhân thời Liên Xô. Trong khi Akula được tối ưu hóa cho vai trò “thợ săn sát thủ” thì khái niệm lớp Yasen lại giống “tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSGN)” hơn.
Theo Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) có trụ sở tại London, Kazan được chế tạo trong 8 năm, chưa bằng một nửa thời gian để đóng chiếc tàu dẫn đầu trong lớp Yasen là Severodvinsk.
Được cung cấp năng lượng từ lò phản ứng hạt nhân KTP-6 thế hệ thứ 4, tàu ngầm K-561 Kazan được cho là “siêu thủy quái” yên tĩnh nhất trong hạm đội tàu ngầm của Hải quân Nga.
Nó cũng được coi là “viên ngọc quý” của lớp Yansen, thể hiện sức mạnh công nghệ của gã khổng lồ Á-Âu với mức độ tự động hóa và tích hợp hệ thống vượt trội. Các chuyên gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đánh giá cao tàu ngầm lớp Yasen-M.
Tiến sĩ Andrew Krepinevich từ Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách Mỹ (CBSA) nhận xét: “Tàu ngầm lớp Yasen-M là minh chứng cho sự tiến bộ lớn về năng lực dưới biển của Nga. Cơ chế tàng hình tiên tiến của nó kết hợp với bộ sưu tập vũ khí đáng kinh ngạc khiến nó trở thành một đối thủ khó nhằn”.
Bình luận của ông Krepinevich nhận được sự đồng tình từ Đô đốc James Stavridis, cựu Tư lệnh Đồng minh Tối cao của NATO, và Đô đốc Gary Roughead, cựu Giám đốc Tác chiến Hải quân.
Đối với ông Stavridis, Yasen-M là dấu hiệu rõ ràng cho thấy quyết tâm của Nga trong việc củng cố ảnh hưởng của mình trên các vùng biển trên toàn cầu. Thiết kế và khả năng của tàu ngầm Nga cho thấy sự phức tạp đáng chú ý.
Ông Roughead nhận xét: “Yasen-M tượng trưng cho sự tái xuất hiện của Nga trên sân khấu hàng hải toàn cầu. Khả năng đương đầu và vượt qua thử thách khiến nó trở thành một đối thủ đáng gờm”.
Tiến sĩ John Pike, Giám đốc GlobalSecurity.org, đồng tình khi nhận định rằng lớp Yasen-M, với hệ thống tên lửa và sonar tiên tiến, có thể làm lung lay đáng kể vị thế của Hải quân Mỹ trong chiến tranh tàu ngầm.
Điểm “lợi hại nhất”
Với chiều dài ấn tượng 139 m, K-561 Kazan có độ giãn nước xấp xỉ 13.800 tấn, con số này tăng lên gần 14.700 tấn khi “siêu thủy quái” lặn xuống dưới bề mặt nước.
Kazan tự hào có tốc độ hàng hải tối đa là 20 hải lý/giờ (37 km/h), tăng tốc lên 28 hải lý/giờ (52 km/h) khi di chuyển dưới nước. Khả năng của nó không dừng lại ở đó, vì nó có thể lặn sâu tới 600 m dưới mực nước biển, đồng thời được trang bị hệ thống radar và sonar tiên tiến, cùng với các hệ thống tác chiến điện tử (EW) mới nhất.
Việc vận hành “kỳ quan hàng hải” này đòi hỏi một đội gồm khoảng 64 thành viên, bao gồm cả sĩ quan và thủy thủ. Nhờ mức độ tự động hóa cao trên tàu, quy mô thủy thủ đoàn này nhỏ hơn bình thường đối với một chiếc tàu ngầm tầm cỡ như vậy.
Động cơ đẩy chạy bằng năng lượng hạt nhân của Kazan cho phép nó có phạm vi hoạt động gần như không giới hạn, chỉ bị giới hạn bởi nguồn cung cấp thực phẩm và nhu cầu bảo trì. Điều ấn tượng là con tàu này có thể lặn dưới nước tối đa 100 ngày.
Nhưng điểm “lợi hại nhất” của Kazan là khả năng phóng một loạt tên lửa chống hạm và tấn công mặt đất, bao gồm Kalibr, Oniks và trong tương lai có thể có cả tên lửa siêu thanh 3M22 Zircon, còn gọi là 3M22 Tsirkon.
“Sự thay đổi” từ các tàu ngầm tấn công đa năng chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN), như Akula, tới một khái niệm gần với SSGN hơn, “có thể là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong cách các tàu ngầm Nga sẽ đóng góp cho các chiến dịch trong tương lai”, The Aviationist cho hay.
Điều thú vị là Kazan được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng UKSK (3P-14B) gồm các module 8SM-346, có chiều dài 10 m và đường kính 2 m. Chúng có thể mang theo 5 tên lửa hành trình đa năng Kalibr 3M54-1 hoặc 4 tên lửa chống hạm P-800 Oniks.
Hệ thống này cũng sẽ có thể phóng tên lửa Kalibr-M có tầm bắn 4.500 km đang được phát triển tính đến năm 2021, và một biến thể phóng từ tàu ngầm của tên lửa Kh-101. Kh-101 hiện được khai hỏa từ các máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-95 và Tu-160, với các biến thể có khả năng phóng mồi nhử và đầu đạn kép đã được sử dụng ở Ukraine.
Những tên lửa này cung cấp cho Yasen và Yasen-M khả năng tấn công mặt đất và chống hạm tầm xa đáng kể. Trong khi đó, tên lửa siêu thanh Zircon có tốc độ được báo cáo là Mach 6-8 (gấp 6-8 lần tốc độ âm thanh).
“Tùy thuộc vào quỹ đạo bay, nó (tên lửa siêu thanh Zircon) có khả năng áp đảo lực lượng phòng không trên tàu đối phương bằng cách không cho họ thời gian cần thiết để phát triển giải pháp khai hỏa”, RUSI cho biết thêm.
Minh Đức (Theo The Aviationist, The Barents Observer, Bulgarian Military)
Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/diem-loi-hai-nhat-cua-tau-ngam-hat-nhan-kazan-dang-ghe-tham-cuba-a29461.html