TikTok và cuộc chiến sinh tồn trước lệnh cấm tại Mỹ

TikTok đang phải đối mặt với nguy cơ bị cấm trên toàn nước Mỹ nếu công ty mẹ ByteDance không thoái vốn khỏi nền tảng này, theo luật mới do Tổng thống Joe Biden ký ban hành.

Ra mắt vào năm 2016, TikTok đã nhanh chóng cán mốc 100 triệu người dùng chỉ trong 1 năm và dần trở thành ứng dụng mạng xã hội có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất mọi thời đại.

Theo số liệu từ ByteDance - công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Trung Quốc, ứng dụng đã vượt qua con số hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng vào tháng 9/2021. Đây là điều mà mạng xã hội Facebook và Instagram phải mất tới gần 10 năm mới có thể đạt được.

Theo số liệu tổng hợp từ trang Backlinko, hiện tại, TikTok đã có mặt tại 158 quốc gia và được dịch ra 57 ngôn ngữ. Trong số 5,3 tỷ người dùng Internet trên thế giới, số người dùng TikTok chiếm 23%. Và trong số 4,95 tỷ người dùng mạng xã hội hiện nay, cộng đồng người dùng của TikTok đóng góp 24,65%.

TikTok và cuộc chiến sinh tồn trước lệnh cấm tại Mỹ- Ảnh 1.

TikTok nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất toản cầu (Ảnh: AP)

Số liệu công bố từ nền tảng mạng xã hội này cho thấy, Mỹ là quốc gia có số lượng tài khoản TikTok lớn nhất hiện nay, với hơn 170 triệu tài khoản hàng tháng. Báo cáo từ eMarketer cho rằng, 45,3 % người dùng mạng xã hội tại Mỹ sử dụng TikTok ít nhất 1 lần mỗi tháng và người dùng trưởng thành tại Mỹ dành tổng cộng hơn 4,43 tỷ phút mỗi ngày cho ứng dụng này. Tuy nhiên, chính vì sự phổ biến này mà TikTok lại gặp rắc rối tại thị trường Mỹ.

Mỹ buộc TikTok phải "bán mình" hoặc bị cấm tại nước này

Ngày 15/3, TikTok đã hiển thị thông báo với nhiều người dùng tại Mỹ, hối thúc họ kêu gọi các Thượng nghị sĩ nước này bỏ phiếu phản đối dự luật cấm TikTok nếu công ty mẹ ByteDance không thoái vốn khỏi nền tảng này. Trong thông báo, TikTok vận động người dùng nói với các nghị sĩ về tầm quan trọng của TikTok đối với "tương lai của sự sáng tạo".

Với 352 phiếu thuận và 65 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc TikTok phải cắt đứt quan hệ với công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc, nếu không thì ứng dụng này sẽ bị cấm tại Mỹ. Dự luật yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 6 tháng hoặc sẽ phải đối diện với lệnh cấm của Mỹ. Dự luật này là biện pháp mới nhất trong hàng loạt động thái của Washington nhằm đáp lại những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan tới các ứng dụng đến từ Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về sự phổ biến của TikTok với giới trẻ nước này, cáo buộc ứng dụng cho phép Trung Quốc thu thập dữ liệu và theo dõi người dùng tại Mỹ.

TikTok đã kịch liệt chỉ trích việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật. Người phát ngôn của TikTok cho rằng, dự luật "sẽ chà đạp lên quyền tự do ngôn luận của 170 triệu người Mỹ, tàn phá 7 triệu doanh nghiệp và đóng cửa một nền tảng đóng góp 24 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ mỗi năm".

TikTok và cuộc chiến sinh tồn trước lệnh cấm tại Mỹ- Ảnh 2.

Shou Zi Chew - Giám đốc điều hành của TikTok - tuyên bố sẽ đấu tranh trước tòa để phản đối đạo luật mới của Mỹ (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, ngày 23/4, Thượng viện Mỹ đã duyệt 4 dự luật nằm trong gói viện trợ nước ngoài, trong đó có dự luật buộc TikTok phải thoái vốn hoặc phải dừng hoạt động tại thị trường Mỹ. Đây là bước đi quyết định của Quốc hội Mỹ để buộc ByteDance cấm TikTok tại nước này. Dự luật đã được chuyển đến Nhà Trắng và Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành thành luật, chỉ 1 ngày sau khi Quốc hội Mỹ phê duyệt.

Theo đó, hạn chót để ByteDance thoái vốn là 19/1/2025, một ngày trước khi ông Joe Biden kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn có thể gia hạn 3 tháng nếu đánh giá ByteDance đạt được tiến bộ.

Ai có thể mua lại TikTok?

Theo Reuters, một số cá nhân và tổ chức đã bắt đầu tính đến việc mua lại TikTok bởi để tránh bị cấm tại Mỹ, TikTok cần phải nhượng lại cho đối tác khác tại nước này. Tuy nhiên, bất kỳ ai muốn sở hữu TikTok sẽ phải chi một số tiền khổng lồ.

Báo cáo từ Bloomberg cho rằng, nền tảng TikTok tại Mỹ hiện được định giá lên tới 150 tỷ USD. Công ty mẹ ByteDance của TikTok thậm chí còn đang trên đà vượt qua Meta để trở thành công ty truyền thông xã hội lớn nhất thế giới tính theo doanh thu. Theo Financial Times, doanh thu của TikTok riêng tại thị trường Mỹ được cho là đạt kỷ lục lên tới 16 tỷ USD vào năm 2023.

Do ByteDance, công ty mẹ của TikTok, phải tuân theo luật pháp của Trung Quốc, chính vì vậy, Chính phủ Trung Quốc có cơ sở để phản đối việc mua bán.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã triển khai các thuật toán quản lý kiểm soát xuất khẩu, một chính sách dường như bao trùm thuật toán cực kỳ thành công khi hỗ trợ công cụ đề xuất của TikTok.

Nếu Chính phủ Trung Quốc không muốn để ByteDance từ bỏ thuật toán của TikTok, CNN cho rằng, quốc gia này có thể sẽ ngăn chặn việc mua bán. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng có thể cho phép bán TikTok nhưng không bao gồm thuật toán sinh lợi - cơ sở cho sự phổ biến của nền tảng này.

Hành động đáp trả từ TikTok

Ngày 7/5, TikTok và công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc đã đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ về đạo luật mới. Đơn kiện được đệ trình lên Tòa án Liên bang tại thủ đô Washington chỉ 2 tuần sau khi Tổng thống Joe Biden ký ban hành luật. Trong đơn kiện, TikTok cho rằng, đạo luật này là "sự vi phạm chưa từng có" đối với Tu chính án thứ nhất Hiến pháp Hoa Kỳ.

Đơn kiện nêu rõ: "Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật cấm vĩnh viễn một nền tảng ngôn luận riêng biệt, nổi tiếng hoạt động trên toàn nước Mỹ và cấm người dân Mỹ tham gia một cộng đồng trực tuyến duy nhất sở hữu hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới".

Công ty lập luận rằng, việc viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia của Chính phủ Mỹ không phải là lý do đủ để hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dùng trên TikTok và Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm phải chứng minh rằng hạn chế này là chính đáng. TikTok cũng cho rằng, việc ByteDance buộc phải thoái vốn để tiếp tục hoạt động tại Mỹ là "không thể thực hiện được" trong khung thời gian mà luật quy định.

TikTok tác động thế nào đến kinh tế Mỹ?

TikTok hiện có khoảng 170 triệu người dùng hàng tháng tại Mỹ và có tới hơn 7 triệu doanh nghiệp Mỹ coi nền tảng này là nơi quảng cáo hoặc bán sản phẩm.

Nghiên cứu của Oxford Economics dựa trên khảo sát hơn 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng 7.500 người dùng TikTok tại nước này về tác động của TikTok với kinh tế Mỹ cho thấy, các doanh nghiệp sử dụng TikTok hoặc quảng cáo trên nền tảng này đạt doanh thu gần 15 tỷ USD vào năm 2023. Nhờ TikTok, các doanh nghiệp đã tạo ra 224.000 việc làm tại Mỹ. Tác động kinh tế được ghi nhận rõ nhất ở các khu vực như California, Texas, Florida, New York và Illinois. Theo báo cáo, TikTok góp phần tạo ra 8,5 tỷ USD cho GDP của Mỹ và 2 tỷ USD tiền thuế.

TikTok và cuộc chiến sinh tồn trước lệnh cấm tại Mỹ- Ảnh 3.

Nhiều người đứng bên ngoài Điện Capitol để phản đối luật mới của Mỹ nhằm vào TikTok (Ảnh: AP)

Số liệu từ Statista cho thấy, doanh thu của TikTok tại Mỹ trong năm 2020 là 1 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này ước tính lên tới 6 tỷ USD trong năm 2023. TikTok dự báo thu về 10 tỷ USD vào năm 2025 nhờ sự xuất hiện của TikTok Shop - hiện được coi là cỗ máy kiếm tiền mới của nền tảng này.

Theo một số nhà sáng tạo nội dung, lệnh cấm từ Chính phủ Mỹ đối với TikTok có thể gây ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp sáng tạo số, dự kiến sẽ đạt quy mô 500 tỷ USD trong năm 2027.

Mỹ không phải là quốc gia đầu tiên cấm TikTok

Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã có những động thái nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của ứng dụng mạng xã hội TikTok.

Điển hình như Canada, Đan Mạch, Bỉ, Đài Loan (Trung Quốc), New Zealand, Pháp, Vương quốc Anh, Hà Lan và một số tổ chức của Liên minh châu u (EU) như Nghị viện châu u (EC) đã cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cấp, đồng thời yêu cầu những nhân viên đã cài đặt TikTok phải xóa ứng dụng này khỏi thiết bị càng sớm càng tốt. Pháp thậm chí còn cấm nhân viên chính phủ sử dụng Twitter, Instagram và các ứng dụng khác trên điện thoại vì vấn đề bảo mật.

Trong khi đó, Ấn Độ áp lệnh cấm trên toàn quốc đối với TikTok và hàng chục ứng dụng khác, bao gồm cả ứng dụng nhắn tin WeChat của Trung Quốc. Chính quyền Taliban ở Afghanistan và Jordan cũng cấm TikTok vì cho rằng ứng dụng này không phù hợp với luật Hồi giáo và TikTok cũng đã không xóa những bài đăng kích động bạo lực, gây hỗn loạn.

TikTok và cuộc chiến sinh tồn trước lệnh cấm tại Mỹ- Ảnh 4.

TikTok và nhiều ứng dụng khác của Trung Quốc bị cấm tại Ấn Độ (Ảnh: AP)

Indonesia và Pakistan từng cấm TikTok với những lý do là có nội dung không phù hợp, tuy nhiên, lệnh cấm được bãi bỏ sau khi nền tảng này đồng ý kiểm duyệt một số nội dung.

Link nội dung: https://kenhkinhte.vn/tiktok-va-cuoc-chien-sinh-ton-truoc-lenh-cam-tai-my-a29215.html